Pages

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

KHI "THÁNH ĐƯỜNG" Y KHOA BỊ VẤY BẨN

SGTT.VN - Đâu đó ở những trường đại học của nước ta, sự thánh thiện và tốt đẹp lại bị vấy bẩn bởi thói giả dối và tham lam của chính những người giảng dạy, vậy liệu người trẻ sẽ học được gì từ một môi trường như thế?

  Sinh viên trường đại học Y dược Cần Thơ đang thực tập (Ảnh minh họa). Ảnh: TTXVN

1. Vậy là học sinh cả nước đã bước qua kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng đợt hai 2013 trong đó có các trường y dược (khối B). Sáng 9.7, có dịp đi qua một số trường thuộc quận 5 – TP.HCM là địa điểm thi của đại học Y dược TP.HCM, nhìn những thí sinh háo hức bước vào trường thi, người viết mới cảm nhận được sự khát khao trở thành bác sĩ của họ.

Nghề nghiệp nào cũng đáng quý, nhưng cùng với một số ít ngành nghề đặc biệt, nghề y luôn được xã hội tôn vinh vì gắn liền với việc cứu người. Có lẽ thế, mà ở một số quốc gia trên thế giới, nghề y không được xem là một nghề nghiệp đơn thuần, mà là một “thiên hướng” (vocation) – hay theo cách gọi tôn giáo là “một ơn kêu gọi của thượng đế”. Phải là “thiên hướng”, vì nếu không trong suy nghĩ bình thường chẳng ai chọn một nghề có thu nhập khiêm tốn nhưng làm việc vất vả lại luôn đòi hỏi tinh thần phục vụ, trách nhiệm, hy sinh, cống hiến ở mức cao nhất.

Thế nhưng chẳng biết từ bao giờ xã hội nước ta lại dành cho người làm ngành y một ánh mắt cay nghiệt khi chứng kiến sự xuống cấp về y đức của nghề này. Nếu trước đây từng xảy ra chuyện bác sĩ kê đơn thuốc ăn hoa hồng, thờ ơ trước yêu cầu của bệnh nhân, nhận tiền bồi dưỡng của bệnh nhân rồi mới chữa trị; thì giờ đây lại có chuyện bác sĩ “ăn phim”, y tá “ăn vắcxin”, bác sĩ sàm sỡ với bệnh nhân, dường như không có hành vi tệ hại nào ngoài xã hội có mà bệnh viện lại không có.

Trò chuyện với một giảng viên y khoa kỳ cựu, người này buồn bã thừa nhận đạo đức ngành y đang xuống cấp nặng nề, bất chấp nhiều giải pháp đặt ra trong những năm qua như đưa bộ môn y đức vào giảng dạy trong trường đại học, phát động phong trào nói không với phong bì trong bệnh viện. Giảng viên này nói: “Có lẽ nên tập trung từ những sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa y khoa. Nhưng vấn đề hiện nay là sinh viên cần những hình mẫu để noi theo chứ không phải mớ lý thuyết từ chương và sáo rỗng về y đức”.

2. Nhưng hình mẫu nào cho sinh viên y khoa thời nay? Một lãnh đạo bệnh viện sau khi bị thanh tra kết luận có vấn đề trong quản lý đã xin từ chức và chuyển về một trường y khoa giảng dạy. Lạ thật, trường này vẫn tiếp nhận. Trước đó, một lãnh đạo cơ sở y tế mắc nhiều sai phạm trong đấu thầu, tài chính, hành chính nhận kỷ luật cảnh cáo cũng “hạ cánh” chuyển về một cơ sở y khoa giảng dạy. Cơ sở này đồng ý. Rồi tại trường đại học y khoa nọ, người đứng đầu một bộ môn vẫn thường xuyên lên các phương tiện truyền thông đại chúng dùng hình ảnh của mình để quảng cáo cho những sản phẩm dinh dưỡng. Cũng lạ, hành vi này kéo dài nhiều năm qua nhưng trường đại học này không hề có biện pháp chấn chỉnh.

Đối với nhiều nước trên thế giới, trường đại học được ví như một ngôi thánh đường vì nơi đó chỉ hiện diện những điều tốt lành và trong trẻo; bởi từ đây sẽ cho ra đời một lớp thanh niên biết sống lý tưởng, cống hiến, phụng sự những điều cao cả của nhân loại. Thế nhưng đâu đó ở những trường đại học của nước ta, sự thánh thiện và tốt đẹp lại bị vấy bẩn bởi thói giả dối và tham lam của chính những người giảng dạy, vậy liệu người trẻ sẽ học được gì từ một môi trường như thế? Buồn thay, ngôi thánh đường xuống cấp đó lại là những cơ sở giảng dạy y khoa, nơi cung cấp cho xã hội những con người có nhiệm vụ chia sẻ và giải quyết nỗi đau của đồng loại – nỗi đau cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

3. Thỉnh thoảng tạt qua trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Văn Truyền, nguyên phó giám đốc trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM (tiền thân của đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), tôi vẫn được ông say sưa kể về những người thầy đáng kính của mình hoặc người quen mà ông từng biết. Đó là GS Hồ Đắc Di (1900 – 1984), hiệu trưởng đầu tiên của đại học Y Hà Nội, dù sống nhiều năm ở Pháp, tiếp xúc với lối sống phương Tây, nhưng khi về nước làm việc vẫn giữ phong cách thanh bạch, giản dị, không màng tiền tài, vật chất và luôn trung thực trong nghiên cứu khoa học. Đó là GS Trần Quang Đệ (1905 – 1997), giảng viên đại học y khoa Sài Gòn, thường dặn dò sinh viên đừng lợi dụng nghề y để làm điều trái luân thường đạo lý vì nếu không sẽ rơi vào cảnh “nhất thế y, tam thế suy” như người xưa thường nói. Hay như GS Phạm Biểu Tâm (1913 – 1999), nguyên khoa trưởng đại học Y khoa Sài Gòn, nguyên phó trưởng khoa Y đại học Y dược TP.HCM, người trong bất cứ cuộc giải phẫu nào dù lớn hay nhỏ cũng tự mình thực hiện mọi giai đoạn của phẫu thuật, từ rửa sát trùng đường mổ, trải khăn mổ, rạch vết dao đầu tiên, khâu mũi chỉ cuối cùng rồi băng vết mổ. Vị giáo sư khả kính này từng nổi tiếng với câu chuyện mà thế hệ ngành y trước đây đều biết, đó là khi làm chủ tịch hội đồng thi đại học ông từ chối cho người con gái của cố vấn Ngô Đình Nhu học ngành y vì thi không đạt điểm, bất chấp sự can thiệp của bộ trưởng giáo dục thời đó.

Trong tác phẩm ăn khách Ngàn mặt trời lộng lẫy (A thousand splendid suns), văn sĩ kiêm bác sĩ người Afghanistan, Khaled Hosseini, nói một câu ngắn ngủi nhưng nhiều ý nghĩa: “Hôn nhân có thể trì hoãn, nhưng giáo dục thì không thể”. Đúng thế, hãy bắt đầu giáo dục ngay điều tốt đẹp cho người bác sĩ tương lai từ năm đầu tiên của đại học. Và không có sự giáo dục nào hiệu quả hơn cho bằng việc cung cấp cho người trẻ hình ảnh tốt lành chân thật về người thầy của họ, một hình ảnh không vấy bẩn bởi vật chất, công danh và lợi lộc. Muốn như thế, hãy trả trường đại học lại thành ngôi thánh đường thiêng liêng, hình ảnh thật sự của nó.

NGUỒN: SGTT
PHAN SƠN