Trong một thời gian dài, cà phê Việt Nam chỉ tập trung cho xuất khẩu và dường như bỏ quên thị trường trong nước rất tiềm năng. Khi xuất khẩu gặp khó khăn, cà phê Việt Nam mới hướng về thị trường trong nước, nhưng quá trình chiếm lĩnh thị phần trong nước còn gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới với sản lượng xuất khẩu cà phê hàng năm đạt khoảng 21,5 triệu bao (thứ 2 thế giới sau Brasil với 47,5 triệu bao). Cà phê đang là mặt hàng xuất khẩu có đóng góp lớn cho nền kinh tế và là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của đất nước, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã bước đầu gây dựng thương hiệu trên thi trường quốc tế.
Lễ hội cà phê tại Đắc Lắc – một trong những hoạt động quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam
(Ảnh: Quang Trung)
Tuy vậy, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam chưa cao, mới chỉ tập trung vào xuất khâu thô, dạng hạt mà chưa tập trung vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thành phẩm để nâng cao giá trị, lợi nhuận. Do đó, giá trị gia tăng của sản phẩm cà phê chưa cao.
Mặt khác, do khủng hoảng kinh tế thế giới, việc tìm kiếm thị trường mới, gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn. Trước xu thế đó, buộc các doanh nghiệp cà phê Việt Nam phải nghiên cứu thị trường, cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh để tồn tại và phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. Trong khi đó, thời gian qua, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ quên thị trường trong nước với gần 90 triệu dân và có khoảng 7% dân số thường xuyên sử dụng cà phê. Tận dụng khoảng thời gian này, các doanh nghiệp nước ngoài như Nestle… đã tranh thủ thời cơ, chiếm lĩnh được thị phần quan trọng này.
Do vậy trong thời gian tới, để từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, đòi hỏi các doanh nghiệp cà phê trong nước có được chiến lược phát triển toàn diện. Một là, cần làm tốt công tác xây dựng và khẳng định thương hiệu, làm tốt công tác quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, đầu tư nhiều hơn cho việc quảng cáo sản phẩm.
Hai là, cần nghiên cứu mở rộng hệ thống các của hàng bán lẻ và giới thiệu sản phẩm vì đang có một thực tế là, có những thương hiệu cà phê Việt Nam rất nổi tiếng trên thị trường quốc tế, nhưng lại không được biết đến ở Việt Nam.
Ba là, cần đưa ra các cam kết chất lượng sản phẩm và đổi mới công nghệ để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi, chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao giá trị thương hiệu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Từ đó hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh ít nhất khoảng 50% thị phần trong nước. Có như vậy, cà phê Việt Nam mới không thua trên sân nhà…