Đọc cuốn sách hay giống như trò chuyện với một người bạn thông minh, bạn luôn tìm thấy sự thú vị ở ngay từ những câu chữ đầu tiên. Hãy dừng sự bận rộn lại, đọc những câu mở đầu của những cuốn sách nổi tiếng!
Cuộc đời của Pi (2001) – Yann Martel
“Những gì từng trải qua khiến tôi trở nên buồn bã, u sầu.”
Câu mở đầu này đã gói trọn cảm xúc của nhân vật Pi Patel sau cả chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương, khi cha mẹ em đã chết đuối trong vụ đắm tàu và một mình Pi sống sót.
Pi đã phải học cách sinh tồn trên biển, đối diện với sự hoảng loạn sau cơn tai họa ập đến, sự cô đơn trước đại dương mênh mông rợn ngợp, sự sợ hãi trước nguy cơ bị chết đói, chết khát, chết vì kiệt sức và đáng sợ nhất là chết do con hổ - người bạn đồng hành duy nhất.
Kiêu hãnh và định kiến (1813) - Jane Austen
“Có một sự thật mà ai cũng công nhận, đấy là: một người đàn ông có tài sản khá hẳn sẽ muốn lấy vợ”.
Câu đề tựa đã cho thấy chủ đề xuyên suốt trong cuốn tiểu thuyết - tình yêu và hôn nhân. Trong tầng lớp quý tộc Anh vào đầu thế kỷ 19, chuyện hôn nhân mang đúng nghĩa của từ “đại sự”. Môn đăng hộ đối khi đó được coi là yếu tố tiên quyết. Các cô gái luôn mong đợi sẽ tìm được một vị hôn phu con nhà danh gia vọng tộc với khoản thừa kế kếch xù.
Nhân vật chính của “Kiêu hãnh và định kiến” là Elizabeth Bennet, một cô gái trẻ con nhà trung lưu. Cô đã có một tình yêu đẹp với Fitzwilliam Darcy, ban đầu họ đối đầu nhau nhưng sau đó lại rơi vào cái bẫy của tình yêu. Tựa truyện nói về sự kiêu hãnh và định kiến mà các nhân vật dành cho nhau.
Anna Karenina (1877) – Leo Tolstoy
“Tất cả những gia đình hạnh phúc, đầm ấm đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo cách riêng của nó”.
Truyện khắc họa bi kịch cuộc đời của nhân vật Anna Karenina – một phụ nữ quý tộc người Nga. Chồng nàng cũng thuộc xã hội thượng lưu nhưng ông ta lớn hơn nàng nhiều tuổi, một người đàn ông khô khan và tẻ nhạt, không đem lại cho cô gái trẻ đang khao khát yêu thương những rung cảm thực sự của tình yêu.
Cuối cùng, nàng “sa ngã” trong cuộc tình vụng trộm với một chàng trai trẻ và quyết định từ bỏ tất cả để chọn tình yêu. Nhưng liệu đó có phải một quyết định khôn ngoan đem lại cho nàng hạnh phúc trong một xã hội còn quá nhiều định kiến cổ hủ?
Bắt trẻ đồng xanh (1951) – J.D. Salinger
“Nếu bạn thực tình muốn nghe câu chuyện tôi sắp kể, hẳn bạn sẽ muốn biết tôi sinh ra ở đâu, tuổi nhỏ thơ dại của tôi diễn ra thế nào… Tóm lại, là toàn bộ cái mớ lai lịch vớ vẩn kiểu như của David Coperfield, đúng thế không? Nhưng nói thực, tôi chẳng thích bới những thứ ấy ra”.
Trong “Bắt trẻ đồng xanh”, nhân vật chính Holden Caulfield tự kể lại câu chuyện của mình trong những ngày ở thành phố New York sau khi bị đuổi khỏi trường dự bị đại học.
Riêng câu mào đầu rất “gây sự” của Salinger đã giúp độc giả dự đoán trước giọng văn ngạo nghễ trong tác phẩm này. “Bắt trẻ đồng xanh” từng gây tranh cãi lớn vì sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, xoáy sâu vào tâm lý chán chường và vấn đề tình dục ở lứa tuổi vị thành niên. Sau này, nhân vật Holden Caulfield đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ.
Con hủi (1909) - Helena Mniszek
“Ngày đã rạng. Bình minh đang tỉnh thức”.
Tác phẩm là câu chuyện tình yêu đẹp nhưng đầy bi kịch giữa một đại công tử thuộc dòng họ quyền quý nhất nước với con gái của một điền chủ nhỏ nhưng tài sắc vẹn toàn. Câu mở đầu mang đầy ý nghĩa lạc quan khi “ngày rạng”, “bình minh” đã tới, đêm đen u tối đã qua. Tình yêu vốn luôn đem lại cho con người niềm tin, sức mạnh và tình yêu cuộc sống, bất kể những ngáng trở éo le gặp phải.
Trăm năm cô đơn (1967) - Gabriel García Márquez
“Nhiều năm sau này, trước đội hành hình, đại tá Aureliano Buendia vẫn nhớ buổi chiều xa xăm ấy, cái buổi chiều cha chàng dắt chàng đi xem băng đá.”
“Trăm năm cô đơn” - cuốn tiểu thuyết thấm đẫm nỗi cô đơn của con người được viết theo chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Truyện kể về dòng họ Buendia tồn tại suốt bảy thế hệ ở làng Macondo, người đầu tiên bị trói vào gốc cây và người cuối cùng bị kiến ăn. Cả dòng họ tự lưu đày vào cõi cô đơn, sống lay lắt trong hoài nhớ và ám ảnh không thôi về tội loạn luân.
Những người khốn khổ (1862) – Victor Hugo
“Khi pháp luật và phong hóa còn đầy đọa con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đói khổ còn tồn tại thì những quyển sách như này còn có thể có ích.”
Câu tựa này có thể coi là rất ngắn gọn so với bộ tiểu thuyết đồ sộ “Những người khốn khổ”. Nó đã thâu vào những ý chính nhất của cuộc đời những nhân vật chính đồng thời khái quát lên cuộc đời của biết bao những con người khốn khổ khác trong xã hội Pháp hồi đầu thế kỷ 19.
Câu mở đầu này quá khúc triết, cô đọng đến khó hiểu, chỉ khi người đọc đã khép lại trang sách cuối cùng của “Những người khốn khổ”, lúc đó, đọc lại từng chữ trong lời tựa này, người ta mới cảm nhận hết sự đúng đắn và những tầng sâu ý nghĩa được gửi gắm trong đó. Một câu tựa không thừa dù chỉ là một chữ.
theo dantri