Thời gian gần đây, nhân việc Nhà nước ta chủ trương lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân góp ý sửa đổi, bổ sung dự thảo Hiến pháp 1992, một số người đưa ra quan điểm: “quân đội cần phải đứng ngoài chính trị, trở thành trung lập chính trị, và trong Hiến pháp chỉ cần ghi trung với Tổ quốc và nhân dân, chứ quân đội không cần phải trung với Đảng”.
Để bảo vệ quan điểm của mình, những người này cho rằng: “Quân đội từ nhân dân mà ra, Đảng không nuôi nổi quân đội một ngày nào. Quân đội là con của nhân dân thì chỉ trung thành và phục vụ nhân dân mà thôi”. Quan điểm này có đúng không, chúng ta cần phải nhìn nhận cho rõ, không để việc lấy ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp bị lợi dụng để chống phá Nhà nước.
Quân đội nhân dân Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân
“Quân đội phải đứng ngoài chính trị”, đây là một sự ngụy biện. Bất kỳ quân đội của quốc gia nào cũng đều gắn với chế độ. Một số nước đa nguyên chính trị, quân đội phải trung lập để tránh diễn ra việc các đảng phái lợi dung quân đội tàn sát lẫn nhau, nhưng bản chất quân đội của các quốc gia đó cũng đều gắn chặt với chế độ, không khác được. Không thể hiến định quân đội trung với Tổ quốc, nhân dân một cách chung chung, vì Tổ quốc bao giờ cũng phải cụ thể của ai, vì ai, do ai. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Nếu phi chính trị, quân đội nhân dân Việt Nam sẽ trở thành đội quân ô hợp không có mục tiêu, cũng chẳng cần chính – nghĩa và rất dễ bị lợi dụng đi vào con đường phản nước, hại dân.
Quan điểm cho rằng quân đội chỉ phải trung thành với Tổ quốc, không gắn với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn xa lạ với lịch sử cách mạng của dân tộc ta. Thực tiễn đã chứng minh vai trò to lớn của quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc đều gắn chặt với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội trung thành với Đảng cũng chính là trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng là phục vụ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho thấy, bản chất của quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Bác Hồ khi đến dự kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: “quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân”.
Vì vậy, Điều 70 trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế” là đúng đắn. Những điều ngụy biện, những luận điệu gian tra muốn xóa nhòa bản chất lực lượng vũ trang nhằm phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cần phải được lên án mạnh mẽ, để mọi người thấy đâu là sự đúng đắn.
Tiềm Long