Các nhà khoa học đang phân tích thành phần của một số viên thuốc cổ, có niên đại lên tới 2.000 năm tuổi, được phát hiện trong một chiếc hộp thiếc nhỏ trên bong của một xác tàu La Mã cổ nằm ngoài khơi Italy.
Các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu của họ trên tờ Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, và cho biết loại thuốc này có thể đã từng được người La Mã cổ sử dụng để điều trị bệnh nhiễm trùng mắt. Bà Maria Perla Colombini, một giáo sư hóa học của trường ĐH Pisa, cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên bởi trong viên thuốc này có chứa rất nhiều thành phần phức tạp và chúng được bảo quản rất tốt dù chúng bị ngâm dưới nước trong thời gian lâu như vậy”.
Xác chiếc tàu đắm, nơi mà người ta tìm được những viên thuốc, có niên đại khoảng từ những năm 140 – 130 trước Công nguyên. Các nhà khoa học cho rằng đây là một chiếc tàu buôn đang đi từ Hy Lạp xuyên qua biển Địa Trung Hải. Xác tàu này được phát hiện vào năm 1974 ở ngoài khơi Tuscany (Italy), và các nhà khảo cổ học đã thám hiểm nó trong suốt những những năm 1980. Tuy nhiên, cho đến nay người ta mới tiến hành phân tích tỉ mỉ những viên thuốc tìm được trên đó.
GS Maria Perla giải thích: “Chúng tôi đã sử dụng một con dao mổ cực mỏng để tách ra một mảnh nhỏ của viên thuốc để phân tích”. Nhờ phương pháp khối phổ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được những viên thuốc này có chứa hàng loạt các thành phần. Trong đó số các thành phần này bao gồm nhựa thông, vốn có các thuộc tính diệt khuẩn. Các chất béo thực vật và động vật cũng được tìm thấy trong viên thuốc, trong đó có thể có cả dầu olive. Loại dầu này vẫn thường được người La Mã cổ sử dụng trong các loại nước hoa và thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, trong những viên thuốc này còn có chứa tinh bột, là một thành phần trong những loại mỹ phẩm của người La Mã. Nhóm nghiên cứu còn khám phá ra các hợp chất kẽm và họ tin rằng những hợp chất này là những thành phần đóng vai trò tích cực trong những viên thuốc. Dựa vào các thành phần của viên thuốc, nhóm nghiên cứu cho rằng nó có thể được sử dụng để điều trị bệnh viêm mắt.
Việc phát hiện được các viên thuốc cổ là rất hiếm có, đặc biệt là những viên thuốc được bảo quản tốt như những viên thuốc trên tàu Pozzino. Cho đến nay, hầu hết những hiểu biết của giới khoa học về thế giới y học cổ xưa đều thu được từ những trang ghi chép còn sót lại.
Bà Gianna Giachi, Ban Quản lý các Di sản Khảo cổ của Tuscany, nói: “Chúng tôi đã so sánh kết quả phân tích của chúng tôi với những gì mà các tác giả cổ đại đã viết. Ngoài ra, những văn bản khoa học đều ghi lại việc sử dụng các hợp chất kẽm của các thầy thuốc La Mã cổ, đặc biệt là trong việc tạo ra các chất bột dùng để điều trị các bệnh viêm mắt”. Bà cũng cho rằng nghiên cứu này sẽ giúp giới khoa học hiểu rõ hơn thế giới y dược cổ đại,
THẢO NGUYÊN
Theo BBC
Theo BBC