CDV- Ca sĩ Linn Linn cất tiếng hát về tình yêu, môi trường và tự do. Nhưng các fan của anh không ngừng yêu cầu anh một bài hát khác - bài hát nói về những người nhập cư Trung Quốc tiếm quyền làm chủ thành phố của anh.
Người Myanmar biểu tình một dự án khai thác đồng của Trung Quốc tại Yangon.
“Họ là ai trong thành phố này? Những người hàng xóm tới từ đông bắc”, Linn Linn cất tiếng hát trên nền nhạc guitar. “Tôi mắt nhắm lại trong nỗi uất nghẹn. Toàn là những người xa lạ. Thành phố Mandalay yêu mến của chúng ta đã chết”.
Trong thập niên qua, Linn Linn cho hay anh đã chứng kiến làn sóng các thương gia Trung Quốc đổ vào Mandalay, Myanmar, mua lại các doanh nghiệp và đẩy người dân ra khỏi thành phố. Bài hát của anh “Cái chết của Mandalay” đã thu hút hàng chục nghìn lượt xem sau khi một người hâm mộ quay phim tiết mục biểu diễn của anh và tải nó lên mạng.
“Khi tôi hát ở bất kỳ đâu, họ cũng yêu cầu tôi hát bài đó”, nam ca sĩ với mái tóc đuôi ngựa cho biết trong khi đang nhâm nhi cốc cà phê vào một buổi chiều gần đây. Linn Linn nói anh tôn trọng văn hoá Trung Quốc và những người lao động chăm chỉ, nhưng phàn nàn về chuyện người Trung Quốc “lấy đi nhiều mà cho lại ít”.
Những từ ngữ mạnh mẽ và bài hát của Linn Linn là hai trong số những dấu hiệu cho thấy sự bất bình ngày càng gia tăng tại Myanmar và hàng loạt quốc gia châu Á trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, quân sự và chính trị của người láng giềng khổng lồ - Trung Quốc.
Những lo ngại bao gồm cả về vấn đề kinh tế - như sự bòn rút tài nguyên thiên và chuyện các nhà buôn Trung Quốc bán các mặt hàng nhập khẩu rẻ mạt - và địa chính trị, như tuyên bố chủ quyền trên biển của Bắc Kinh và việc khánh thành tàu sân bay đầu tiên.
“Sẽ phải trả giá đắt”?
“Tâm lý không ưa người Trung Quốc của người dân tại một quốc gia ngày càng trở nên rõ ràng”, Guo Jiguang, một chuyên gia về chính trị Đông Nam Á tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết trong một báo cáo gần đây về môi trường an ninh khu vực của Trung Quốc. “Họ cảm thấy không vui vì ảnh hưởng của Trung Quốc tại đất nước họ. Nếu chúng ta phớt lờ quan điểm của người dân địa phương, về lâu dài chúng ta sẽ phải trả giá đắt”.
Về mặt nào đó, Trung Quốc đã và đang phải trả giá, khị sự phẫn nộ càng làm phức tạp thêm một tham vọng nhằm tìm kiếm nhiều nguồn tài nguyên và sự nể trọng, cũng như các đồng minh ở nước ngoài.
Cùng lúc đó, sự lo ngại của các quốc gia láng giềng đối với Trung Quốc đang tạo ra cơ hội cho Mỹ tái xây dựng các liên minh tại châu Á, khi Washington mở rộng trao đổi quân sự với các nước và tăng viện trợ khắp Đông Nam Á.
Tâm lý không thoải mái với sự ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc giúp lý giải tại sao Mỹ có thể đưa Myanmar tới gần hơn với thế giới trong 2 năm qua. Sự thay đó đã giúp mở cửa Myanmar cho các doanh nghiệp phương Tây để có thể cạnh tranh với các công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc.
Giáo sư Guo cho rằng sự thay đổi mạnh mẽ của Myanmar không chỉ ảnh hưởng tới quan hệ của Trung Quốc với nước này mà còn “gióng lên một hồi chuông báo động” cho chính sách ngoại giao Trung Quốc xét về tổng thể.
Trong quá khứ, các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc về tác động ngược của chính sách Trung Quốc và cáo buộc Mỹ khuấy động sự chống đối trong lúc tăng cường quan hệ quốc phòng tại châu Á, một phần của sự chuyển dịch chiến lược nhằm “kìm hãm” Trung Quốc.
Trung Quốc cũng giành được tình cảm của người dân tại một số quốc gia láng giềng, đáng chú ý nhất là Pakistan. Tuy nhiên, những phản ứng tại vài quốc gia đã tiết lộ các hạn chế của một nỗ lực tốn kém nhiều tỷ USD và kéo dài cả thập niên của Bắc Kinh nhằm giành lấy các đồng minh thông qua viện trợ và đầu tư. Trong nỗ lực này, các khoản đầu tư và viện trợ của Trung Quốc tại Đông Nam Á đã tăng vọt lên 6,7 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2007, từ mức 36 triệu USD trong năm 2002, một nghiên cứu do Trường Wagner thuộc Đại học New York ước tính hồi năm 2008.
Một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở Jakarta, Indonesia tràn ngập hàng "Made in China".
Các chuyên gia về chính sách ngoại giao tin rằng phần lớn thiện chí mà Bắc Kinh tạo ra trong hơn một thập niên qua đã bị xói mòn 2 năm qua giữa lúc Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn đối trong các vụ tranh chấp chủ quyền.
Tại Campuchia, một số người dân địa phương đã tố cáo các doanh nghiệp Trung Quốc buộc các dân làng phải rời bỏ đất đai của họ vì các dự án đầu tư nông nghiệp. Tại Mông Cổ, một luật đầu nước ngoài gần đây đã yêu cầu các công ty nhà nước - giống như các công ty vốn thống trị nền kinh tế Trung Quốc - phải nhận được sự cho phép đặc biệt trước khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên.
Tại Nhật Bản, tỷ lệ người dân có thiện cảm với Trung Quốc đã giảm xuống 18% - mức thấp nhất trong 34 năm qua - trong một nghiên cứu hồi năm ngoái. Một cuộc khảo sát tại Philippines, một quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, cho thấy tỷ lệ người ít tin tưởng vào Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào giữa những năm 1990. Phần lớn người dân tại Hàn Quốc và Indonesia gần đây nói rằng họ lo sợ về sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.
Sự khó chịu thậm chí cũng bùng phát ở Hồng Kông khi hàng chục nghìn người biểu tình phản đối một kế hoạch, mà sau đó đã bị huỷ bỏ, nhằm đưa môn học Yêu nước vào giảng dạy bắt buộc ở các trường học. Trong khi đó, tại Singapore, hàng loạt thông điệp chống Trung Quốc đã được đăng tải trên các trang web khi các di dân Trung Quốc làm công việc lái xe tiến hành biểu tình và làm rối loạn giao thông.
Phải cạnh tranh công bằng
Myanmar đã trở thành một trong những đồng minh thân cận của Trung Quốc bắt đầu từ 2 thập niên trước, sau khi giới chức Myanmar mở cửa một đường biên giới phục vụ thương mại. Sau đó, thương mại đã tăng lên trên 6 tỷ USD mỗi năm.
Myanmar đã trở thành một trong những đồng minh thân cận của Trung Quốc bắt đầu từ 2 thập niên trước, sau khi giới chức Myanmar mở cửa một đường biên giới phục vụ thương mại. Sau đó, thương mại đã tăng lên trên 6 tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc từng ủng hộ chính quyền quân đội của Myanmar. Đổi lại, Bắc Kinh được tiếp cận các nguồn thuỷ điện, gỗ và khoáng sản của Myanmar. Các công ty Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng tại Myanmar một tuyến đường ống quan trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Nhưng trong 1 năm rưỡi qua, mối quan hệ giữa 2 nước bắt đầu rạn nứt. Người dân Myanmar, được tự do bày tỏ hơn trước, đang tỏ thái độ giận dữ trước việc mà một số người gọi là sự bóc lộ của người Trung Quốc đối với người lao động và các nguồn tài nguyên của nước này.
Những căng thẳng đã lên tới đỉnh điểm hồi tháng 9/2011, khi Tổng thống Myanmar Thein Sein bất ngờ huỷ việc xây dựng một đập nước trị giá 3,6 USD được Trung Quốc hỗ trợ, có thể gây ngập cho một khu vực rộng tương đương diện tích San Francisco, nhằm sản xuất điện cung cấp chủ yếu cho Trung Quốc.
Tâm lý oán giận đã bùng phát Mandalay, một thành phố với khoảng 1 triệu dân và được nối liên với Trung Quốc bằng một con đường qua núi. Là nơi ở của vị hoàng đế cuối cùng của Myanmar vào những năm 1880 và có nhiều chùa chiền, thành phố gần đây đã trở thành một trung tâm thương mại cho Trung Quốc. Trung tâm thành phố giờ đây tràn ngập các cửa hàng với những cái tên như "Trung tâm mua sắm Vạn Lý Trường Thành".
Một nhà môi giới bất động sản ước tính người Trung Quốc giờ đây đã sở hữu 70% đất đai của Mandalay.
Khi những bất đồng với Trung Quốc lan rộng, giới lãnh đạo Mỹ đã bắt đầu kêu gọi mở thêm các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Myanmar.
Sau cuộc bầu cử năm 2010, Myanmar đã bắt đầu phát các tín hiệu rằng nước này muốn cải thiện quan hệ với phương Tây. Chính phủ mới đã thả các tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế với báo chí và bắt đầu hiện đại hoá nền kinh tế để thu hút các nhà đầu tư phương Tây.
Mỹ từng liệt kê một loạt những yêu cầu cho Myanmar để chứng minh rằng nước này đang thay đổi, và Myanmar đã đáp ứng. Vào giữa năm 2012, Washington đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp cấm vận với Myanmar và các doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu vào nước này.
Myanmar đã giảm nhẹ chuyện bất đồng với Trung Quốc. “Trung Quốc là nước láng giềng. Chúng tôi không thể chọn được người láng giềng, vì thế chúng tôi sẽ duy trì tốt quan hệ”, Zaw Htay, một quan chức từ văn phòng của Tổng thống Thein Sein cho hay.
Nhưng ông Zaw Htay cũng nói thêm rằng thời đại đang thay đổi khi người Myanmar phàn nàn về sự ảnh hưởng của Trung Quốc và bắt đầu xây dựng quan hệ với các quốc gia phương Tây. “Chính phủ đang cố gắng tạo ra một sân chơi công bằng. Giờ đây, các nhà đầu tư Trung Quốc phải cạnh tranh với các nhà đầu tư phương Tây”, ông nói.
dantri.com