• Hiểu thêm về Trung Quốc


    vào lúc Thứ Sáu, tháng 1 25, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →



    Văn Nam

    Chính sách của Trung Quốc là nguồn gốc cơ bản gây ra tình hình bất ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong 5-10 năm tới, Trung Quốc cũng rất cần môi trường quốc tế hòa bình ổn định để thực hiện chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, “chấn hưng Trung Hoa”. Trung Quốc phải cân nhắc, tính toán đến lợi ích và phản ứng của các cường quốc có liên quan, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ…
    Thứ nhất, mục tiêu của Trung Quốc là phấn đấu đến năm 2050 vươn lên trở thành siêu cường thế giới ngang hàng với Mỹ trên cơ sở ‘cải cách, mở cửa’ và ‘trỗi dậy hòa bình’. Trung Quốc cho rằng thời gian từ nay đến năm 2020 là cơ hội tốt nhất cho Trung Quốc phát triển. Vì vậy, xu thế chính trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm tới là cố gắng giải quyết các mâu thuẫn bên trong và bên ngoài một cách hài hòa, tránh các biện pháp cực đoan, không đối đầu với Mỹ, phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng, duy trì môi trường hòa bình, hòa dịu.
    Mặt khác, sau một thời gian dài dẫn đầu thế giới về tốc độ phát triển kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một nước lớn trên thế giới. Năm 2005, nền kinh tế Trung Quốc với tổng thu nhập quốc dân (GDP) vượt 2.200 tỷ USD, đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Do kinh tế phát triển nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong nước có hạn nên Trung Quốc đã trở thành "con rồng đói" về nguyên, nhiên liệu. Từ năm 2003, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Trung Quốc đã và đang vươn ra khắp thế giới để tìm kiếm và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng để bảo đảm nhu cầu phát triển và an ninh năng lượng của mình, trong đó biển được coi là nguồn cung cấp quan trọng. Đồng thời, để có thể chuyên chở, nhập khẩu nguyên nhiên liệu và xuất nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc ngày càng coi trọng quyền tự do hàng hải và an toàn thương mại hàng hải. Với khoảng 70% lượng dầu khí nhập khẩu đi qua Biển Đông, Trung Quốc coi Biển Đông là ‘con đường sinh mệnh’ của mình.
    Thứ 2, Trung Quốc là nước có yêu sách tham vọng lớn nhất trên biển, sau thời gian dài ‘bế quan tỏa cảng’, từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thế kỷ hình thành yêu sách trên toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách "lưỡi bò" (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình của quần đảo Trường Sa; năm 1956 Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía Đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974 chiếm một phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995 đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía Nam quần đảo Trường Sa.
    Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, coi quần đảo Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi của Trung Quốc; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) nhưng thừa nhận có tranh chấp, chủ trương ‘chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác’.
    Thứ 3, từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra "Chiến lược khai thác biển" với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển. Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương "khai thác biển xa trước, biển gần sau,biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau", "ngoại giao đi trước, hải quân đi sau", "văn công, vũ vệ"; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật. Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng ra Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.
    Và những chiêu bài đã “lộ tẩy”
    Để thực hiện chiến lược biển của mình, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp đối nội và đối ngoại, trên bàn đàm phán và trên thực địa để khẳng định chủ quyền của mình.
    Thứ nhất, Trung quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” vào tháng 5/2009 bằng cách đính kèm một bản đồ vẽ đường yêu sách này kèm theo công hàm gửi Liên Hợp quốc phản đối Báo cáo của Việt Nam và Báo cáo chung Việt Nam- Malaysia về ranh giới thềm lục địa được vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, theo đó đòi hỏi chủ quyền 2 quần đảo gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa) và “Nam Sa” (Trường Sa) và “vùng đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa" riêng của 2 quần đảo này. Trung Quốc vận dụng quy chế quốc gia quần đảo cho Hoàng Sa, tuyên bố sẽ vạch tiếp cho Trường Sa, để từ đó đòi 2 quần đảo này cũng có vùng "đặc quyền kinh tế" và "thềm lục địa" riêng, tạo bộ mặt pháp lý hợp thức hơn cho yêu sách chủ quyền. Tuy nhiên việc quy định "đường cơ sở quần đảo" và yêu sách vùng biển này trái với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 cho nên nhìn chung các nước đều không công nhận yêu sách này của Trung Quốc.
    Thứ 2, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, giáo giục ý thức “quốc gia đại dương”, khẳng định các yêu sách chủ quyền biển. Báo chí Trung Quốc đăng tải một cách có hệ thống các bài viết kích động dư luận, vu cáo các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, chiếm đoạt tài nguyên biển của Trung Quốc.
    Thứ 3, ráo riết tiến hành công tác xây dựng Pháp luật về biển để làm cơ sở pháp lý triển khai chiến lược biển. Quốc hội Trung Quốc đã lần lượt thông qua Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp (năm 1992); Luật đường cơ sở (1996); Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc (1998) (...) đang xây dựng Luật về quản lý sử dụng hải đảo. Trung Quốc đã thành lập cơ quan chuyên trách quản lý biển là Cục Hải dương, tổ chức từ Trung ương đến cấp huyện.
    Thứ 4, ra sức tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, đặc biệt là không quân và hải quân (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu khu trục tên lửa, máy bay SU 27, SU 30, tiếp dầu trên không, tổ chức tập trận hải quân). Dự kiến năm 2015, Trung Quốc sẽ trở thành “siêu cường quân sự thế giới” có khả năng tác chiến biển xa. Thực tế cho thấy Trung Quốc không ngần ngại sử dụng lực lượng quân sự trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng. Trên Biển Đông, Trung Quốc cũng đã 3 lần sử dụng vũ lực để chiếm thêm các đảo mới.
    Thứ 5, củng cố và mở rộng các vị trí đã chiếm đóng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    Thứ 6, thực hiện chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn khác như Mỹ, Nhật; tập trung sức mạnh mũi nhọn sức ép vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật "ngoại giao cấp cao", "đại cục quan hệ", "trả đũa mạnh" để hạn chế đấu tranh của Việt Nam. Khi buộc phải ký và tham gia vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) với ASEAN, Trung Quốc đã cố gắng đưa vào các bổ sung để bảo đảm không gây cản trở đến việc thực hiện ý đồ "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, không để ASEAN co cụm với nhau trong diễn đàn DOC và quá trình xây dựng quy tắc ứng xử, tìm cách gạt bỏ chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của ARF, phong trào không liên kết và đặc biệt Trung Quốc kiên quyết phản đối phương thức đàm phán đa phương, chỉ muốn tiến hành đàm phán song phương, mặc dù tranh chấp có liên quan đến nhiều bên.
    Thứ 7, thúc ép mạnh mẽ các nước trong khu vực thực hiện chủ trương “Gác tranh chấp, cùng khai thác” (…). Thực chất, ngoài khu vực Trường Sa, các khu vực Trung Quốc muốn “cùng khai thác” với các nước liên quan đều là các khu vực nằm trong phạm vi vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa của các nước có tiềm năng dầu khí. Do vậy, đề xuất “Gác tranh chấp, cùng khai thác” này của Trung Quốc không thể chấp nhận được trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.
    Theo nhận định của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế thì chính sách của Trung Quốc là nguồn gốc cơ bản gây ra tình hình bất ổn định trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong 5-10 năm tới, Trung Quốc cũng rất cần môi trường quốc tế hòa bình ổn định để thực hiện chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, “chấn hưng Trung Hoa”. Trung Quốc phải cân nhắc, tính toán đến lợi ích và phản ứng của các cường quốc có liên quan, đặc biệt là Mỹ, Nhật, Ấn Độ…

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem