Bà Lý Kim Khánh (Luckimkhanh@...) làm việc tại một trường THPT ở quận 4, TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2002 đến tháng 8/2012, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo chế độ bảo hiểm y tế của bà Khánh là Bệnh viện Nguyễn Trãi (bệnh viện tuyến tỉnh).
Từ tháng 8/2012, bà Khánh chuyển công tác về cơ quản chủ quản đóng ở quận 1 nên đã trả lại thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên từ khi chuyển công tác đến cuối năm 2012, bà Khánh không được khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT tại Bệnh viện Nguyễn Trãi nữa. Đến đầu năm 2013, bà Khánh mới được cấp thẻ BHYT với nơi khám, chữa bệnh đã bị chuyển về Bệnh viện quận 12 (theo hộ khẩu).
Việc chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh đã gây khó khăn cho bà Khánh, nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh không giải thích rõ ràng. Bà Khánh đề nghị được giải đáp cụ thể trường hợp của bà.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên và thực hiện đúng chức năng của cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới, Bộ Y tế đã quy định từng bước chuyển đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của người có thẻ BHYT từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và tuyến xã.
Việc cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi nơi khám, chữa bệnh của bà Khánh về Bệnh viện quận 12 (bệnh viện tuyến huyện) là thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT và quy định của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, bà Khánh có thể đề nghị Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi về cơ sở khám, chữa bệnh tuyến quận nơi bà công tác để thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh BHYT.
Theo CTTDTCP