Nói chuyện với ngư dân Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hỏi tỉ mỉ, lắng nghe cẩn thận. Ngư dân cũng trình bày tâm tư nguyện vọng của mình, rất chân thành và tin cậy. Họ nói với Chủ tịch nước rằng: “Bây chừ Trung Quốc đuổi quá!”.
Nghe câu nói xót ruột và cũng sốt ruột. Trung Quốc đuổi đánh dân mình, bắt tàu cá của ngư dân đòi tiền chuộc nhiều rồi, nhưng chứng kiến họ nói với Chủ tịch nước những câu như vậy, người có lòng với đất nước không khỏi “ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”.
Vì sao biển mình mà người ta lại đuổi. Không một ai có quyền xâm phạm đến tài sản, tính mạng của họ. Đây là một thực tế, bởi vì chúng ta phải sống bên cạnh một nước láng giềng quá tham lam và thâm hiểm, chà đạp mọi cam kết về hữu nghị cũng như quy định của luật pháp quốc tế.
Ông Phạm Văn Bi, chủ tàu 91757 nói: “Thưa Chủ tịch nước! Hoàng Sa là của Việt Nam mà ghé vào vài hôm là bị đuổi, nó kèm miết, nó chạy theo cả ngày làm ăn chi được. Vừa rồi ngư dân Quảng Ngãi bị bắn, có chuyện gì mình ghé vào họ bắn bể đầu thì sao? Trung Quốc họ đầu tư dữ lắm, hàng trăm chiếc tàu tràn xuống với đèn chùm sáng trưng, pha lóe cả mắt mình làm ăn chẳng được. Đề nghị Nhà nước quan tâm”.
Trung Quốc đầu tư tài lực cho việc đóng tàu, đoàn tàu cá của họ hiện đại, nếu sòng phẳng mà tranh cá với nhau trên biển, ngư dân Việt Nam cũng thua xiểng liểng. Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đuổi trên biển, chỉ riêng việc chạy để tránh tàu Trung Quốc đã hết thời gian và tiêu hao nhiên liệu, còn sức lực đâu nữa để tranh giành ngư trường với một biển tàu của Trung Quốc. Một cuộc chiến không cân sức.
Trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước, ngư dân đề xuất nhà nước cho ngư dân vay với lãi suất thấp, giảm thuế môn bài. Ông Bi phân tích rằng: “Tại sao ngư dân đi bốn chuyến mà chỉ được địa phương hỗ trợ hai chuyến, số tiền hai chuyến còn lại đi đâu? Dân nghèo là do chủ trương chính sách. Vay tàu lớn mà lãi suất cao trong khi Nhà nước không hỗ trợ, vay trả lãi không là nghèo!”. Đúng như vậy, mỗi một trận bị tàu Trung Quốc tấn công, ngư dân thiệt hại rất lớn, vay ngân hàng lãi suất cao, lấy đâu tàu to mà đánh bắt xa bờ và tranh ngư trường với tàu cá Trung Quốc.
Một đất nước có 3.260km bờ biển và một vùng ngư trường rộng lớn nhưng bao nhiêu năm nay vẫn chưa xây dựng được một đoàn tàu cá hiện đại. Có, chúng ta đã bỏ tiền vào đầu tư cho hai tập đoàn Vinashin và Vinalines với số vốn khổng lồ, nhưng số tiền đó chìm sâu vào đáy biển. Những con tàu còn đó chỉ là núi phế liệu làm các trang chứng cứ chứng minh tội ác của tham nhũng và lãng phí. Chỉ cần một ít tiền còm của hai tập đoàn này, cũng đủ để hỗ trợ cho ngư dân vay với lãi suất thấp để đóng những con tàu to như ước mơ của họ, để họ không còn bị tàu đánh cá to hơn của Trung Quốc tràn xuống “pha đèn lóe mắt”, không còn sợ tàu to hơn ăn hiếp.
Ngư dân ra khơi không chỉ là chuyện khai thác hải sản mà mỗi chiếc tàu là một “con dấu” chủ quyền đóng trên biển Đông. Hãy dẹp đi những thứ đầu tư vô ích cho những nhóm lợi ích để hỗ trợ ngư dân ra khơi. Chủ quyền quốc gia bị xâm hại thì cá nhân giàu có đến mấy cũng chỉ là mang mối nhục.
Đừng bao giờ được phép quên những điều Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng khắc vào tâm can: “Tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối. Ruột đau như cắt, nước mắt dầm đìa…”.
Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã nhiều lần viết lên những trang sử hào hùng chống giặc ngoại xâm thì con cháu chúng ta hôm nay không thể không tiếp bước cha ông, phải không các bạn?
Theo dantri