Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số (Đề án 554), giai đoạn 2009-2012 do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 10/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa để Đề án đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến nông dân và đồng bào dân tộc, góp phần bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người dân.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân chú trọng đi sâu vào một số vấn đề lớn hiện nay. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Theo Bộ NNPTNT, trong hơn 3 năm thực hiện Đề án 554, các cơ quan thực hiện Đề án ở Trung ương và địa phương đã tổ chức 179.112 hội nghị, cuộc họp, tập huấn, giới thiệu văn bản tuyên truyền pháp luật cho hơn 11 triệu lượt người.
Hàng triệu tờ gấp, sổ tay pháp luật, băng đĩa tuyên truyền đã được biên soạn, phát hành, bên cạnh các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phát sóng và đưa tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để phổ biến pháp luật đến người dân.
Đề án đã xây dựng 10 mô hình thí điểm thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tại 10 xã của 10 tỉnh tiêu biểu. Kinh phí cho các hoạt động của Đề án ở Trung ương là 25,3 tỷ đồng, ở địa phương là 37,2 tỷ đồng. Nhiều địa phương thực hiện bằng kinh phí lồng ghép từ các chương trình khác.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng Đề án đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương nên đã huy động được lực lượng đông đảo tuyên truyền viên cơ sở, thực hiện được chủ trương xã hội hoá công tác này.
Thông qua các hình thức tuyên truyền đã nâng cao hơn trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người dân, có sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật.
Theo đánh giá của Uỷ ban Dân tộc, công tác tuyên truyền pháp luật tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức chấp hành của cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, 91,7% đồng bào dân tộc thiểu số đánh giá nhận thức và tình hình chấp hành pháp luật, việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân sau khi được phổ biến pháp luật đã tốt hơn so với trước kia.
Về sử dụng pháp luật để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, 51,9% người dân cho rằng rất hiệu quả. 86,2% ý kiến cho biết luôn tìm hiểu các quy định của pháp luật liên quan đến công việc và 64% đồng bào rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật…
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đánh giá, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, phổ biến pháp luật. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 409/2012/QĐ-TTg về 8 Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hiện đang được các Bộ, ngành triển khai.
Trong giai đoạn 2012-2016, Đề án 554 phấn đấu tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 70% người dân nông thôn, 60% đồng bào dân tộc thiểu số tại 1.848 xã đặc biệt khó khăn, 69 huyện nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; 100% cán bộ hội nông dân và 50% cán bộ ấp, thôn, bản được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; 95% cán bộ công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến người dân vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề án 554 đã tạo chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật. Ảnh: VGP/Lê Sơn
|
Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều đề án, chương trình về tuyên truyền pháp luật đang chậm tiến độ, chưa nói tới chất lượng và hiệu quả.
Đến nay, Đề án 554 mới thực hiện được 50% các chỉ tiêu đề ra, chỉ có 35/63 tỉnh, thành ban hành quyết định phê duyệt Đề án, nhiều địa phương không có báo cáo kết quả, không thành lập Ban chỉ đạo... Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền đề nghị cần phê bình các tỉnh, thành phố thực hiện không tốt Đề án và việc kiểm điểm là cần thiết để triển khai Đề án giai đoạn 2013-2016 tốt hơn.
“Bộ Tư pháp sẽ tiến hành tổng rà soát, đánh giá các chương trình, dự án của các ngành, địa phương về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định triển khai các Đề án, chương trình sao cho hiệu quả”, Thứ trưởng Nguyễn Thuý Hiền cho biết.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương kết quả của Đề án trong hơn 3 năm qua, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân và đồng bào dân tộc thiểu số về ý thức pháp luật. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém của trong việc thực hiện Đề án là nhiều địa phương chưa quan tâm dẫn đến nhiều chỉ tiêu của Đề án chưa đạt như mong muốn.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để Đề án đi vào cuộc sống, đưa pháp luật đến nông dân và đồng bào dân tộc, góp phần bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người dân. Các địa phương, Bộ ngành phải triển khai tốt Quyết định 409/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm túc Đề án 554.
Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực hiện Đề án như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lồng ghép các chương trình để tránh lãng phí, kém hiệu quả. Tăng cường nhận thức và sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các cấp, coi đây là nhiệm vụ quan trọng.
Đa dạng hoá, đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật đến người dân, đi sâu vào một số vấn đề lớn hiện nay như góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, bảo đảm trật an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, Luật Đất đai, tự do tín ngưỡng… không để tình trạng “ngứa trên đầu lại gãi dưới chân” trong công tác tuyên truyền.
Bộ NNPTNT cần xây dựng chương trình hành động cụ thể cho Đề án này, đồng thời phải tiến hành kiểm tra, đôn đốc, phê bình các tỉnh chưa làm tốt công tác này.
Theo CTTDTCP