Sáng 25-4, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện công tác biệt phái sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) theo Nghị định số 165/2003/NĐ-CP ngày 22-12-2003 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định 165), giai đoạn 2004-2012. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu chỉ đạo hội nghị
|
Dự hội nghị có Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lương Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Phan Văn Giang, Phó Tổng tham mưu trưởng. Dự hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Hoàng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương; Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế và đại biểu các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng; các ban, bộ, ngành Trung ương, Sở Giáo dục-Đào tạo các tỉnh, thành phố sử dụng sĩ quan biệt phái.
Đọc báo cáo tổng kết, Trung tướng Nguyễn Văn Động, Cục trưởng Cục Cán bộ (Tổng cục Chính trị) đã nêu bật kết quả thực hiện công tác biệt phái sĩ quan QĐNDVN và xây dựng đội ngũ sĩ quan biệt phái. Cụ thể là, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy các cấp và các ban, bộ, ngành Trung ương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội đã quán triệt và triển khai nghiêm túc Nghị định 165; Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ đã có Thông tư liên tịch và các văn bản hướng dẫn thực hiện, qua đó đã tạo được sự thống nhất trong nhận thức, tổ chức thực hiện. Cấp ủy các cấp đã xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác biệt phái sĩ quan, nhất là về tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ chính sách đối với sĩ quan biệt phái; tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đáp ứng số lượng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái. Công tác quản lý, sử dụng sĩ quan biệt phái ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tính đến năm 2012, Bộ Quốc phòng đã cử sĩ quan biệt phái sang các ban, bộ, ngành đạt 102% so với nhu cầu, trong đó ngành Giáo dục-Đào tạo chiếm 85,6%. Đội ngũ sĩ quan biệt phái ở các cơ quan Trung ương, Chính phủ, các ban, bộ, ngành đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo các bộ, ngành lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quốc phòng, nghiên cứu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng-an ninh (QP-AN) và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội gắn với yêu cầu QP-AN...
Quang cảnh hội nghị
|
Các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, thống nhất cao với báo cáo tổng kết thực hiện Nghị định 165 của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nêu những mô hình, kinh nghiệm làm hay ở các bộ, ngành, địa phương; chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm tồn tại và kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác biết phái sĩ quan QĐNDVN trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị định 165 của các cấp ủy Đảng, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Quân đội và cơ quan sử dụng sĩ quan QĐNDVN biệt phái có chuyển biến tốt. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các đơn vị toàn quân có những chủ trương, triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái. Công tác điều động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ, chính sách với sĩ quan biệt phái đúng quy định, ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong điều kiện mới.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh giao nhiệm vụ và yêu cầu Tổng cục Chính trị, trực tiếp là Cục Cán bộ tham mưu, giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng, quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan biệt phái. Bộ Tổng tham mưu chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng, quản lý nội dung, chương trình giáo dục QP-AN. Tổng cục Chính trị và Bộ Tổng tham mưu phối hợp với các cơ quan Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương nắm tình hình, số lượng, chất lượng, đánh giá hiệu quả công tác sĩ quan biệt phái; giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 165, Thông tư liên bộ thực hiện nghị định phù hợp yêu cầu thực tiễn đất nước trong điều kiện mới.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, vị trí của cơ quan, đơn vị biệt phái sĩ quan; nghiên cứu biên chế, chế độ chính sách, quy định kỳ hạn, tuổi phục vụ của sĩ quan biệt phái; quản lý chặt chẽ và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện, bố trí sử dụng đội ngũ sĩ quan biệt phái đạt hiệu quả cao. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác biệt phái sĩ quan, bảo đảm thực hiện đúng chủ trương sĩ quan biệt phái làm nòng cốt trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và giảng dạy kiến thức QP-AN, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo QDND