Ông Huỳnh Phong Tranh
|
Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” đã nhận được nhiều ý kiến người dân nhờ chuyển vụ việc của họ đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 31/3, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết trong năm 2012, tuy số lượt người, số vụ khiếu nại ,tố cáo có giảm nhưng tính chất phức tạp, gay gắt tăng hơn so năm 2011, đặc biệt là số đoàn đông người ngày càng nhiều. Tới cuối năm 2012, đã có trên 380.000 lượt người khiếu nại, tố cáo, gửi trên 124.000 lượt đơn đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các cơ quan nhà nước đã hết sức quan tâm, tích cực, trách nhiệm trong việc triển khai công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đến cuối năm 2012, các cơ quan nhà nước đã thụ lý, giải quyết trên 54.000 đơn trong số 65.000 đơn theo thẩm quyền, giải quyết được trên 85%. Tỷ lệ giải quyết trong năm 2012 cao hơn năm 2011.
Giải quyết dứt điểm hơn 110 vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài
Đặc biệt, tháng 5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14 chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết 528 vụ phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cần cơ bản hoàn thành việc giải quyết các vụ việc này trong tháng 3/2013.
Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị, thành lập 28 tổ công tác. Đầu năm 2013, Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành chức năng cùng các địa phương đã thống nhất phương án giải quyết trên 300 vụ, chiếm trên 60% tổng số vụ. Đến cuối tháng 2, hơn 110 vụ đã được giải quyết dứt điểm.
Với các vụ việc còn lại, sắp tới Thanh tra Chính phủ sẽ giải quyết dứt điểm theo trình tự. Trước hết, Thanh tra Chính phủ tiến hành họp liên ngành với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các bộ ngành Trung ương có liên quan để thống nhất phương án, chủ trương giải quyết từng vụ việc cụ thể. Sau đó, tiến hành đối thoại với người dân trong tất cả các vụ việc cần giải quyết. Sau khi đối thoại, nếu người dân không đồng tình chấm dứt khiếu nại thì trong trường hợp thấy cần phải giải quyết lại, Thanh tra Chính phủ sẽ xem xét bước tiếp theo, trong trường hợp vụ việc đã được xử lý bởi nhiều ngành, nhiều cấp, xử lý nhiều lần, xử lý đúng pháp luật, thấu lý đạt tình thì thông báo chấm dứt thụ lý.
Đặc biệt, Tổng Thanh tra cho biết, có vụ kéo dài tới 35 năm, qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần giải quyết, một số vụ việc đã hết thẩm quyền mà người dân vẫn không đồng tình, nhưng Thanh tra Chính phủ vẫn xem xét lại trong đợt này.
“Làm như vậy sẽ rõ ràng về mặt trách nhiệm là một, rõ ràng mặt pháp luật là hai, thứ ba là để người dân hiểu rõ vụ việc của mình đã được giải quyết trên cơ sở pháp luật và có tình có lý để người dân chấp hành quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước”, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nói.
Tổng Thanh tra cho biết trong việc giải quyết 528 vụ việc nói trên, ông hi vọng trong tháng 3 nếu không đạt được 100% thì cũng đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
4 nguyên nhân chính
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, có 4 nguyên nhân chính khiến còn nhiều vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Nguyên nhân đầu tiên được Tổng Thanh tra đề cập là cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, kịp thời, một số trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Nguyên nhân thứ hai là do lịch sử để lại, như nhiều vụ tranh chấp đất đai đòi lại đất cũ. Nguyên nhân thứ ba là trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo, bên cạnh những địa phương hết sức trách nhiệm, tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, thì cũng có nơi giải quyết chưa dứt điểm, rõ ràng, đặc biệt chưa làm rõ khiếu nại của công dân, nên người dân không đồng tình. Nguyên nhân cuối cùng là trong một số ít trường hợp, công dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại tố cáo nên dù đã được nhiều cấp, nhiều ngành, giải quyết nhiều lần, giải quyết đúng pháp luật nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại.
Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tập trung tháo gỡ những nguyên nhân này, nhất là về cơ chế chính sách, đặc biệt là trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai.
Trước tình trạng khiếu nại vượt cấp chiếm tỷ lệ khá lớn, Thanh tra Chính phủ đã nhắc nhở các địa phương tổ chức tốt việc tiếp công dân, đối thoại với công dân trong giải quyết khiếu nại, thực hiện tốt công tác hòa giải tại cơ sở khi phát sinh khi vụ việc, nếu người dân không đồng tình thì giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền “đến nơi đến chốn” để người dân thấy được trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, hàng năm, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của các bộ ngành, địa phương, nếu các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền các địa phương giải quyết không đúng thẩm quyền, không làm hết trách nhiệm thì nhắc nhở, uốn nắn.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại tố cao, Thanh tra Chính phủ thường xuyên theo dõi tình hình, tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Với các địa phương, cơ quan không làm hết trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo, để công dân khiếu nại tố cáo vượt cấp nhiều, Chính phủ sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, phù hợp
Theo TTDTCP