Mấy ngày qua, khi Thông tư 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, trong đó vấn đề “xe chính chủ” tiếp tục được nhiều người dân lo lắng, quan tâm. Mặc dù Thông tư 12 “đi kèm” sau đó đã gỡ bỏ và đơn giản hóa các thủ tục, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau quanh vấn đề này.
Kể từ ngày 15-4, nếu người mua hoặc người bán xe không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định sẽ bị xử phạt 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng (với mô-tô, xe máy) và phạt từ sáu đến 10 triệu đồng (với ô-tô).
Tại Trụ sở Công an phường Ngã Tư Sở số 321 Tây Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các trường hợp xin cấp đăng ký là cho xe máy mới mua. Tuy nhiên, những ý kiến của người dân đi làm thủ tục lại cho thấy “sự mơ hồ” về hiểu biết luật pháp chung quanh vấn đề “xe chính chủ”.
Chị Thủy, một người dân làm thủ tục xin cấp đăng ký mới cho xe máy mới của mình cho biết, gia đình chị có tổng cộng bốn chiếc xe máy và “tất cả đều là chính chủ”, mỗi người trong gia đình khi có nhu cầu đều “đi mua xe mới cho yên tâm” và “đỡ phải lo thủ tục”!
Theo chị, mặc dù có điều kiện mặt bằng, nhưng gia đình chị vẫn phải đưa bớt xe đi gửi bớt, đồng thời băn khoăn, “không biết những nhà chật hẹp thì người ta sẽ làm như thế nào!?”.
Cũng là một người đi đăng ký cho chiếc xe máy mới mua, anh Kiên chia sẻ, nhà có hai chiếc xe, trong đó chiếc cũ là do mua bán, sang nhượng lại từ người quen. Tuy nhiên, khi được hỏi ý kiến về việc đăng ký “chính chủ” cho chiếc xe sang nhượng lại kia, anh Kiên cho biết, “không quan tâm” đến việc này nên không có ý định đăng ký lại chiếc xe đó.
Tại trụ sở 321 Tây Sơn, có khá nhiều người dân tới bàn đăng ký làm thủ tục với yêu cầu muốn đăng ký “chính chủ” tên mình cho xe của bố mẹ hay anh chị em ruột trong gia đình. Họ đều tỏ ra lo lắng về việc tham gia giao thông trên chiếc xe “không đứng tên mình”.
Trả lời những lo lắng trên, đại diện cơ quan chức năng tại đây giải thích thật đơn giản - “không ai phạt anh/chị khi đi chiếc xe của bố/mẹ/anh chị em cả”, đồng thời cam đoan việc này sẽ “không thể xảy ra”!.
Sau khi có được lời giải thích, chia sẻ với phóng viên NDĐT, một số người vẫn “băn khoăn” với việc sử dụng chiếc xe mà không đứng tên đăng ký.
Tuy nhiên hầu hết mọi người đều không biết rằng, tại Khoản 1, Điều 9 của Thông tư 11 của Bộ Công an có ghi: “Xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Chi tiết hơn, việc xử lý “xe không chính chủ” chỉ diễn ra qua công tác đăng ký, điều tra, xử lý tai nạn, vi phạm giao thông, còn với xe đang lưu thông trên đường, nếu có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, bằng lái, bảo hiểm). Như vậy, CSGT không được phép dừng xe chỉ để kiểm soát, xử lý “xe không chính chủ”!.
Thời gian qua, một số văn bản ban hành đã làm dư luận hoang mang, lo lắng vì tính thiếu thực tiễn của văn bản. Việc ban hành các văn bản pháp luật đều nhằm góp phần ổn định trật tự, kỷ cương xã hội là cần thiết, song mọi chính sách phải xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, phục vụ lợi ích của người dân và làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, nếu không hiệu lực của chính sách sẽ bị hạn chế.
Theo quy định, đối với người sử dụng phương tiện muốn làm thủ tục cấp đăng ký lại cho xe mua bán qua nhiều đời chủ, không có chứng từ chuyển nhượng, người sử dụng phải khai tờ khai, cam kết quyền sở hữu với chiếc xe đang sử dụng. Tờ khai này phải có xác nhận của công an cấp xã, phường nơi đăng ký nhân khẩu thường trú. Sau đó người sử dụng phải nộp thuế trước bạ và hoàn thiện hồ sơ gửi tới cơ quan quản lý. Nếu hồ sơ đầy đủ, cơ quan đăng ký sẽ cấp giấy hẹn trong vòng 30 ngày và thông báo cho chủ sở hữu xe, đồng thời niêm yết tại cơ quan quản lý. Nếu không có phản hồi từ chủ sở hữu xe trong thời hạn trên, cơ quan đăng ký sẽ cấp đăng ký mới cho người sử dụng.
Theo Nhandan