• Có thơ đăng báo


    vào lúc Thứ Năm, tháng 1 24, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

             Mỗi lần có dịp ra ngoại ô phía bắc thành phố, tôi đều ghé thăm và lai rai với anh bạn tôi là Nguyễn Cực Kỳ. Nhưng sau cái Tết vừa rồi thì…
    Nguyễn Cực Kỳ vừa tròn bốn chục, một mỉnh một mình, bố mẹ mất sớm, chưa vợ chẳng con, hành nghề hớt tóc làng nhàng ngay tại ngôi nhà nhỏ của chàng, tối ngày rảnh rỗi chỉ biết vui chơi rượu chè với đám bạn nhậu sồn sồn trong xóm. Tuy vậy, chàng cũng có tài làm thơ, và thơ chàng, theo tôi, cũng hay ra phết! Lâu nay, mỗi khi bốc hứng lên, chàng lại vỗ đùi ngâm thơ chàng cho đám bạn nhậu cùng nghe, đổi lại được vài lời ngợi khen ca tụng qua quýt lấy lòng. Một hôm, trong bàn nhậu tình cờ có một nhà thơ, tầm cỡ cũng thường thường bậc trung, vui miệng, mà cũng để làm vui lòng chàng, đã khuyên chàng thử gởi thơ chàng cho báo xem sao. Thơ chàng đâu phải loại xoàng? Sao không để cho người đời biết đến, được cùng thưởng thức, mà cứ để cho mai một đi, chỉ phổ biến trong phạm vi nhỏ bé của bàn nhậu và mấy ông bạn sồn sồn? Biết đâu được? Gởi các báo xem sao? Trước hết gởi các báo tỉnh, lỡ không được đăng thì chỉ tốn công ngồi sao chép, tốn thêm vài đồng tem bì, chẳng ăn thua gì! Thế là chàng cặm cụi sao chép mười bài thơ của chàng rồi gởi đi cho 5 tờ báo tỉnh. Gởi xong, bận bịu với nghề hớt tóc, và với mấy chầu nhậu giải sầu mỗi chiều, chàng quên bẵng chuyện ấy đi.
    Đùng một cái, hơn một tháng sau, trên đường đi qua, bác đưa thư bỗng dừng lại trước tiệm hớt tóc của chàng, gọi tên chàng ra. Lạ! Lâu nay chàng có hề thư từ với ai đâu? “Anh là Nguyễn Cực Kỳ? Có báo biếu đây!”. Báo biếu? Ồ, thánh quá thánh! Báo biếu! A! Chuyện lạ nhỉ? Ừ, biếu thì nhận. Chàng cầm tờ báo biếu, lập cập chạy vào trong tiệm, xé mở ra xem. Hai bài thơ của chàng được đăng. Oách thật chớ phải chơi đâu!? Thơ chàng đã được đăng báo! Hai bài thơ này chàng đã thuộc nằm lòng, nhưng khi chúng được đăng trang trọng lên báo, bằng chữ in chớ không phải nét chữ xổ ngang quẹt dọc như gà bới của chàng thì chúng lạ lẫm làm sao! Chàng đọc đi đọc lại mấy lần không biết chán. Ờ nhỉ, họ đã đăng y từng chữ, không sửa từ nào, không thêm mà cũng chẳng bớt. Trân trọng đến thế! Nâng niu đến thế!
    Cái tin Nguyễn Cực Kỳ có hai bài thơ đăng báo chẳng mấy chốc đã loan truyền đi khắp xóm nhỏ ngoại ô chủ yếu do chàng và mấy ông bạn sồn sồn. Chiều hôm ấy tiệm hớt tóc chật ních người, già trẻ lẫn con nít. “Nguyễn Cực Kỳ thật cực kỳ! Hết ý!” “Đãi một chầu đi chứ! Hai bài thơ đăng báo! Ôi!” “Xóm ta đã xuất hiện một nhà thơ! Nhà thơ quốc doanh đàng hoàng đấy nhé! Đăng báo tỉnh có dễ đâu?” “Rửa thơ! Rửa thơ! Mừng tân gia rửa nhà, có bài đăng báo thì phải rửa thơ! Thế mới xôm tụ chứ!”.
    Nguyễn Cực Kỳ cười hớn hở cực kỳ, hân hoan hồ hởi nói, “Yên trí! Sẽ đãi anh em một chầu! Vô tư!” Vét túi, vét hòm xiểng được 170 ngàn, chàng sung sướng mở tửu hội đãi các bạn nhậu sồn sồn một trận say vui đông mệt tá lả! Nhuận bút cho hai bài thơ bao nhiêu?... Ồ, nhằm nhò gì! Cứ ăn khao cái đã! Vui quá vui mà! Nổi danh là một điều cực kỳ đã đời! Mãn nguyện!
    Rồi chỉ vài ngày sau, chàng lại nhận được một tờ báo biếu của một tỉnh khác gởi đến. Rồi thêm một tờ báo tỉnh khác. Hai tờ này chỉ đăng một bài thơ của chàng thôi. Nhưng nghĩa là có đăng! A! Mà đã có đăng nghĩa là có khao! Rửa thơ thật là vui! Lại tửu hội. Lại vét tiền hớt tóc, tiền trong con lợn đất mà chi trả. Lại say sưa ngâm thơ hào hứng. Vui quá vui! Bốn bài thơ đăng báo! Vui quá vui!
    “Này, cứ thế mà tiến lên nhé, Cực Kỳ!” “Tiếp tục gởi thơ nữa đi nhé!” “Đúng! Gởi tiếp! Ba tờ báo tỉnh lần lượt đăng thơ cậu, nghĩa là thơ cậu đã được công luận thừa nhận, nghĩa là cậu đã được tuyên dương, phong hàm thi sĩ rồi còn gì?” “Phải, đúng y! Gởi bài tiếp đi! Gởi nhiều vào! Gởi liên tục!” Gởi cả báo tỉnh lẫn báo trung ương, báo ngành! Có thế mới hốt được cả đống nhuận bút chứ! Thế thơ cậu nhiều không?” “Hử? Thơ tôi còn nhiều không ấy hử? Ôi dào! Khối! Vô thiên lủng! Lâu nay chỉ ngâm sương sương cho mấy cậu nghe chừng vài chục bài. Tôi còn cả một hòm thơ tổ bố cất dưới gầm giường kia kìa! Tha hồ mà gởi!”...
    Ăn Tết xong, người ta thấy trước cửa tiệm hớt tóc của Nguyễn Cực Kỳ treo bảng: “Cần nhượng cửa hàng”.
    Theo QDND

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem