Phillip Tran
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh là hai nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt luôn đồng hành với nhau trong mọi thời kì giai đoạn của lịch sử. Trong đó, quốc phòng - an ninh là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong quá trình đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi tình hình thế giới, tình hình khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự tranh chấp chủ quyền biên giới, biển và đảo đang diễn ra gay gắt, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh là rất quan trọng, cần thiết.
Củng cố quốc phòng - an ninh với sự phát triển kinh tế - xã hội được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn” [*]. Quan điểm này biểu hiện sinh động của mối quan hệ biện chứng, khách quan giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để giải quyết tốt mối quan hệ này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quan ta phải thực hiện tốt việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Sự kết hợp đó sẽ góp phần thiết thực đưa chủ trương của Đảng vào trong cuộc sống, bảo đảm sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa.
Sự gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với mối quan hệ biện chứng duy vật lịch, là quy luật khách quan của sự phát triển bền vững của mọi quốc gia dân tộc. Sự kết hợp đó dựa trên cơ sở chính là sự tổng hòa, toàn diện về cả trên hai phương hướng: đúc kết lí luận và tổng kết từ thực tiễn công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kì của lịch sử dân tộc.
1. Cơ sở lí luận của sự kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với cũng cố quốc phòng - an ninh.
Một là, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh là những mặt hoạt động cơ bản của mỗi quốc gia, dân tộc có độc lập, chủ quyền. Trên mỗi lĩnh vực có mục đích, cách thức hoạt động và quy luật riêng, song giữa chúng có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, kinh tế là yếu tố nền tảng tác động đến sự vững mạnh quốc phòng – an ninh; ngược lại, quốc phòng – an ninh cũng có tác động tích cực trở lại với kinh tế, bảo vệ và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Kinh tế quyết định đến nguồn gốc ra đời, sức mạnh của quốc phòng, an ninh. Lợi ích kinh tế suy đến cùng là nguyên nhân làm nảy sinh các mâu thuẫn và xung đột xã hội. Để giải quyết các mâu thuẫn đó, phải có hoạt động quốc phòng - an ninh đi kèm.
Hai là, kinh tế quyết định đến việc cung cấp cơ sở vật chất kĩ thuật, nhân lực cho hoạt động quốc phòng – an ninh. Ăngghen đã khẳng định “Thất bại hay thắng lợi của chiến tranh đều phụ thuộc vào điều kiện kinh tế”. Vì vậy, để xây dựng quốc phòng – an ninh vững mạnh phải xây dựng, phát triển kinh tế. Mặt khác, kinh tế còn quyết định đến việc cung cấp số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho quốc phòng, an ninh, qua đó quyết định đến tổ chức biên chế của lực lượng vũ trang; quyết định đến đường lối chiến lược quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, quốc phòng - an ninh không chỉ phụ thuộc vào kinh tế mà còn tác động ngược trở lại với kinh tế - xã hội trên cả góc độ tích cực và tiêu cực.
Thứ nhất, quốc phòng – an ninh vững mạnh sẽ tạo môi trường hoà bình, ổn định lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động quốc phòng – an ninh tiêu tốn đáng kể một phần nguồn nhân lực, vật lực, tài chính của xã hội. Những tiêu dùng này theo Lênin là những tiêu dùng “mất đi”, không quay vào tái sản xuất xã hội. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng của xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ hai, hoạt động quốc phòng – an ninh còn có thể dẫn đến huỷ hoại môi trường sinh thái, để lại hậu quả nặng nề cho kinh tế, nhất là khi chiến tranh xảy ra (có sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học…). Để hạn chế những tác động tiêu cực này, phải kết hợp tốt tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh với phát triển kinh tế - xã hội vào một chỉnh thể thống nhất.
Như vậy, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh là một tất yếu khách quan. Mỗi lĩnh vực hoạt động có nội dung, phương thức riêng nhưng lại có sự thống nhất ở mục đích chung, cái này là điều kiện tồn tại của cái kia và ngược lại. Tuy nhiên, việc kết hợp cần phải được thực hiện một cách khoa học, hợp lí, cân đối và hài hoà.
2. Cơ sở thực tiễn của sự kết hợp củng cố quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội
Lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh, dù là nước lớn hay nước nhỏ; kinh tế phát triển hay chưa phát triển; dù chế độ chính trị như thế nào thì mỗi quốc gia cũng đều chăm lo thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, kể cả những nước mà hàng trăm năm nay chưa có chiến tranh. Tuy nhiên, các nước khác nhau, với chế độ chính trị - xã hội khác nhau, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau thì sự kết hợp cũng có sự khác nhau về mục đích, nội dung, phương thức và kết quả.
Ở Việt Nam, sự kết hợp đó đã có lịch sử lâu dài. Dựng nước đi đôi với giữ nước là qui luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta. Trước kia, để xây dựng và phát triển đất nước, ông cha ta đã có những chủ trương, kế sách thực hiện sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh trong quá trình dựng nước và giữ nước như các kế sách giữ nước với tư tưởng: “nước lấy dân làm gốc”, “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú binh cường”; thực hiện kế sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” để vừa phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, do nắm vững quy luật và biết thừa kế kinh nghiệm của lịch sử nên đã thực hiện sự kết hợp phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh một cách nhất quán bằng những chủ trương sáng tạo, phù hợp với từng thời kì của cách mạng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954): Đảng ta đề ra chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, “vừa chiến đấu vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”; chúng ta đồng thời thực hiện phát triển kinh tế địa phương và tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp: “xây dựng làng kháng chiến”, địch đến thì đánh, địch lui ta lại tăng gia sản xuất.
Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, (1954 - 1975): kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện ở mỗi miền với nội dung và hình thức thích hợp.
Ở miền Bắc, để bảo vệ xã hội chủ nghĩa và xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc, Đại hội III của Đảng đã đề ra chủ trương: “trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”.
Ở miền Nam, Đảng ta chỉ đạo quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa miền Nam vững mạnh. Đây chính là một điều kiện cơ bản bảo đảm cho cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.
Ở thời kì này, chúng ta phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam, nên việc kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động và thiết thực, đã tạo được sức mạnh tổng hợp đánh thắng giặc Mĩ xâm lược và để lại nhiều bài học quí giá cho thời kì sau.
Trong thời kì đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội (1975 đến nay): Đảng ta khẳng định kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh là một nội dung quan trọng trong đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và được triển khai trên qui mô rộng lớn hơn, toàn diện hơn.
Như vậy, cũng cố quốc phòng - an ninh phải đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với củng cố tăng cường quốc phòng - an ninh. Đây là hai nhiệm vụ then chốt, quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn nhận thức sâu sắc trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng với bối cảnh thế giới đầy biến động, tiềm ẩn nhiều bất trắc, phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng tăng cường thực hiện âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Công sản Việt Nam. Trong khi đó ở trong nước còn tồn tại, phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực, tình trạng tham nhũng, quan liêu, hách dịch, biểu hiện xa rời mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… đã và đang tác động ảnh hưởng đến vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng an - an ninh là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước./.
Theo nendanchu2012.wordpress.com