Những danh hiệu giải “Cánh diều vàng” của điện ảnh Việt Nam 2012 đã được xướng tên cho các bộ phim, công trình điện ảnh và các nghệ sĩ trong buổi lễ trao giải với quy mô khiêm tốn, được Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức tại Nhà hát truyền hình TP Hồ Chí Minh vào tối 9-3. Phần lớn các kết quả của giải không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn và khán giả. Tuy nhiên, với mặt bằng chung cũng như cách thức tổ chức của giải năm nay so với các năm trước, “Cánh diều vàng” không những chưa có thêm cơ hội để bay cao, bay xa hơn, mà ngược lại, nó còn bị giới hạn trong một khung trời hẹp.
“Thiên mệnh anh hùng” thâu tóm hầu hết các giải điện ảnh
Như thường niên, tâm điểm thu hút sự quan tâm của khán giả ở Giải “Cánh diều vàng” – 2012 vẫn là thể loại phim truyện nhựa (điện ảnh). Tuy nhiên, nhìn vào danh sách 11 tác phẩm dự giải ai cũng nhận ra, phim nhựa ít nhưng không “tinh”, bởi hơn hai phần ba trong số đó là phim thị trường với công thức “hài, nhảm”. Một số phim đình đám trong mùa phim Tết vừa qua với số doanh thu “khủng”, điển hình như “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không tham gia dự giải vì chưa hết mùa chiếu, sợ ảnh hưởng đến doanh thu. “Mùa hè lạnh”, bộ phim thứ hai của đạo diễn Quang Hải cũng được ghi danh vào giờ chót.
Các nghệ sĩ thể loại phim truyện điện ảnh nhận các giải thưởng của “Cánh diều vàng” |
Dù ít phim tham dự giải, chất lượng phim không đều nhưng điện ảnh vẫn hội tụ đầy đủ tất cả các hạng mục giải thưởng với 16 giải khác nhau.
Vì là tham gia cho có nên những phim “hài, nhảm”, thậm chí một số phim bị dư luận chỉ trích là “thảm họa điện ảnh” không thể là đối thủ của những phim được đầu tư công phu, có chất lượng nghệ thuật tốt hơn nên chỉ vài phim nhận những giải mang tính “động viên”, còn lại đành ra về tay trắng. Thêm một năm nữa, điện ảnh Việt vẫn phải đốt đuốc đi tìm kịch bản hay nhưng thêm một lần nữa, vẫn “lực bất tòng tâm” khi giải thưởng dành cho biên kịch xuất sắc nhất phải bỏ trống.
Trong bối cảnh ấy, sự lên ngôi của phim “Thiên mệnh anh hùng” là hoàn toàn xứng đáng. Ngoài việc trở thành “Cánh diều vàng” của điện ảnh Việt Nam 2012, “Thiên mệnh anh hùng” còn thâu tóm hầu hết các giải thưởng có giá trị khác như: Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho đạo diễn Việt kiều Victor Vũ; nam diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho diễn viên Huỳnh Đông, vai Nguyên Vũ; giải quay phim xuất sắc nhất, âm thanh xuất sắc nhất…
“Cánh diều vàng” – 2012 là “mùa” của Victor Vũ khi phim “Scandal, bí mật thảm đỏ” của anh nhận được giải của báo chí bình chọn. Nữ diễn viên Maya (vai Trà My) trong phim nhận giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Diều bay trong khung trời hẹp
Khác với điện ảnh, năm 2012, phim truyện truyền hình có nhiều khởi sắc cả về nội dung, thể loại lẫn kỹ thuật làm phim. Một trong những mảng đề tài tạo được sự chú ý đặc biệt của khán giả là phim về lịch sử. Vượt qua nhiều đề cử sáng giá, bộ phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” của đạo diễn Đào Duy Phúc và Tất Bình đã xuất sắc dành giải “Cánh diều vàng”. Đạo diễn Đào Duy Phúc lập luôn cú đúp khi anh nhận luôn giải đạo diễn xuất sắc nhất cho thể loại phim truyền hình.
Như vậy, cả điện ảnh và phim truyền hình đều đánh dấu sự lên ngôi ấn tượng và thuyết phục cho dòng phim lịch sử. Đạo diễn Tất Bình xúc động tâm sự: “Sự tôn vinh này sẽ là một động lực, nguồn động viên cổ vũ lớn lao để các đạo diễn, nhất là các đạo diễn trẻ say mê với dòng phim lịch sử”.
Diễn viên Huỳnh Đông và Đinh Y Nhung nhận giải nam, nữ diễn viên xuất sắc nhất phim điện ảnh |
Dù không xuất hiện ồn ào nhưng thể loại phim hoạt hình với âm hưởng dân gian, với các câu chuyện cổ tích tiếp tục là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các đạo diễn. Phim “Càng to càng nhỏ” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam với cách làm sáng tạo, hiện đại đã giành giải cao nhất. Mảng phim khoa học có ít đề cử nhưng khá “tinh” với giải “Cánh diều vàng” thuyết phục cho phim “Những gia đình ở Tràm Chim” của Vũ Hoài Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.
Trước lễ trao giải, giới phóng viên văn hóa nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh phải chạy đôn chạy đáo để kiếm một tấm vé vào Nhà hát truyền hình TP Hồ Chí Minh tác nghiệp, nhưng rất ít người toại nguyện. Vận may chỉ mỉm cười với chúng tôi ở giờ chót khi được bộ phận phụ trách PR của chương trình nhường cho một vé. Lý do, Nhà hát Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh khá chật chội. Ngay cả lối vào được trải thảm đỏ cho các tài tử, giai nhân của màn bạc Việt sải bước cũng khá hẹp và ngắn, làm khổ bộ phận đón khách đứng làm nền hai bên phải chen chúc để vỗ tay, vẫy hoa.
Sự chờ đợi một sự kiện hoành tráng của điện ảnh nước nhà trong năm của người hâm mộ đã không diễn ra. Lễ trao giải diễn ra khá trầm lắng, mang tính chất “nội bộ” của những người làm nghề hơn là một chương trình hướng đến số đông khán giả. Cũng vì tính “nội bộ” ấy nên sức lan tỏa của giải năm nay khá hạn chế. Bầu trời cho cánh diều bay lên bị đóng khung ngay từ cách tổ chức và quảng bá nên nó đã hẹp lại… “thiếu gió”.
“Cánh diều vàng” 2012 đã có chủ nhân với tổng cộng gần 60 giải thưởng các loại được trao. Chương trình với phần đạo diễn của nghệ sĩ Quyền Linh đã mang đến một đêm vui vẻ, lãng mạn và không ít cảm xúc cho những người làm nghề. Tuy nhiên, so với mong muốn của khán giả và nhu cầu xã hội, “Cánh diều vàng” vẫn cần một bầu trời rộng hơn, cao hơn, nhiều gió hơn để có thể bay cao, bay xa. Nhưng điều đó lại đang nằm ở phía trước.
Theo QDND