• Cần phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân


    vào lúc Thứ Bảy, tháng 3 16, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Trong Hiến pháp, vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tính chất chi phối hay quyết định đối với các nội dung còn lại của Hiến pháp, do vậy xin có đôi lời tham gia vào chương 2 của Dự thảo như sau:
    Việc đưa quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân lên chương 2 cho thấy bản dự thảo đã có một cách nhìn nhận đầy đủ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần phải trao đổi thêm.
    Thứ nhất, về cách trình bày và cơ cấu của chương quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
    Dự thảo chưa phân biệt rõ ràng quyền con người với quyền công dân nên khi đọc có cảm giác tên chương quá dài và chưa phù hợp với nội dung được trình bày. Mặt khác, các nhóm quyền của con người hay của công dân chưa được xác định (như nhóm các quyền kinh tế, nhóm quyền chính trị, nhóm các quyền trong lĩnh vực xã hội…) làm cho việc trình bày các quyền lẫn lộn và khó theo dõi.
    Thứ hai, về các quy định cụ thể.
    Về quyền con người, Dự thảo quy định về quyền con người trong khi Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về quyền con người. Đương nhiên, pháp luật quốc gia phải phù hợp với điều ước quốc tế mà mình là thành viên. Tuy nhiên, việc liệt kê các quyền của con người trong Hiến pháp là không cần thiết vì nó đã có công ước quốc tế về quyền con người. Mặt khác, việc liệt kê như vậy thường dẫn đến sự thiếu sót, đặc biệt khi nói tới tự do của con người. Có vẻ như sự bổ sung Điều 21 trong Dự thảo là không cần thiết, vì “quyền được sống” là quyền tự nhiên, quyền thiêng liêng của con người và đã được thừa nhận tại Điều 15 của Dự thảo rồi. Mặt khác, quy định này có thể xung đột với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành vì hình phạt tử hình vẫn đang tồn tại và được quy định trong 29 tội. Do đó, phải có quy định bổ sung rằng quyền sống của con người chỉ có thể bị tước đoạt khi nó xâm phạm đến quyền sống của người khác, đến tự do của cộng đồng và được phán quyết bởi một tòa án hợp pháp.
    Với những quy định cụ thể về quyền công dân, tại Điều 27, Dự thảo quy định: “1. Công dân nam, nữ bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. 2. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nữ và nam trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. 3. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới”.
    Tôi băn khoăn rằng, quy định này có thể sớm lạc hậu bởi sự tiến bộ của khoa học (cả y học, pháp lý). Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã thừa nhận ngoài hai giới tính phổ biến (nam và nữ), loài người còn có giới tính thứ ba là đồng tính nam (gay), thứ tư là đồng tính nữ (less), thứ năm là lưỡng giới (ái nam ái nữ) hay thứ sáu là vô tính (liên quan đến những người không có cảm giác luyến ái mà chỉ có khuynh hướng tôn giáo hoặc không hôn nhân). Ngay chính trong Bộ luật Dân sự hiện hành của Việt Nam, quyền được xác định lại giới tính cũng đã được quy định từ năm 2005. Mặt khác trên thực tế, có không ít người về mặt y học đã chuyển đổi giới tính và cũng có những trường hợp chính quyền công nhận giới tính mới của họ về mặt pháp lý. Điều này liên quan đến tính bền vững, ổn định của pháp luật cũng như liên quan đến quyền con người. Vì vậy, xin kiến nghị sửa lại khoản 1 điều này là: “Mọi công dân bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”, sửa khoản 2 thành: “Nhà nước có chính sách bảo đảm sự bình đẳng giữa các công dân trên mọi lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”. Điều này có liên quan chặt chẽ với vấn đề bình đẳng giới đã và đang được đặt ra không chỉ ở các nước phát triển mà ở cả Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển.
    Với khoản 2, Điều 32 của Dự thảo, quy định: “Người bị buộc tội có quyền được tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm” cũng cần được trình bày lại cho hợp lý hơn thành: “… Không ai bị kết án hai lần đối với một lần phạm tội” vì cũng một tội phạm nhưng một người có thể thực hiện nhiều lần, mỗi lần như thế đều có thể bị kết án.
    Đối với khoản 2, Điều 41: “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng”, xin được sửa thành: “Nghiêm cấm các hành vi đe dọa hay xâm phạm đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng” vì chỉ cấm hành vi đe dọa thôi thì không đủ.
    Về cách trình bày một số điều, nên bỏ cụm từ “Nhà nước có chính sách…” mà ghi trực tiếp: “Nhà nước bảo đảm”, “Nhà nước thực hiện”, “Nhà nước có trách nhiệm”… trong việc thực hiện các quyền con người và quyền công dân trong các điều khoản cụ thể.
    Theo QDND

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem