• Thực hiện tốt quy trình "tròn khâu"


    vào lúc Thứ Ba, tháng 3 05, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →



            Từ ngày 25 đến ngày 28-2, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu giao quân đợt 1 năm 2013 cho các đơn vị quân đội. Kết quả bước đầu cho thấy, các địa phương bảo đảm chất lượng, giao quân nhanh gọn, an toàn tuyệt đối, một số tiêu chí nhất là về chất lượng chính trị, sức khỏe, trình độ văn hóa,... đặc biệt thanh niên nhập ngũ là con em cán bộ, đảng viên ở địa phương tăng so với cùng kỳ năm 2012. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có mặt tại một số địa phương để làm rõ hơn kết quả và những vấn đề cần tiếp tục quan tâm trong công tác tuyển quân thời gian tới.
    Cán bộ, đảng viên làm gương
         Theo Đại tá Hoàng Anh Luật, cán bộ chuyên trách Phòng Quân số - Chính sách (Cục Quân lực, Bộ TTM), trong hơn một tuần qua, kể từ khi các địa phương giao quân đợt 1-2013 cho các đơn vị đến nay, chưa có trường hợp thanh niên nào bị thải loại do không bảo đảm các tiêu chí quy định. Đáng chú ý là dù gặp nhiều khó khăn do nguồn hạn hẹp, nhiều địa phương vẫn bảo đảm tốt chất lượng tuyển quân về chính trị, trình độ văn hóa, sức khỏe... đồng thời tăng đáng kể tỷ lệ thanh niên nhập ngũ là con em cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước.
    Điển hình là TP Hồ Chí Minh, đợt 1-2013, có 532 người tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), chiếm 21,1% tổng số thanh niên nhập ngũ và tăng 4,42% so với đợt 1-2012. Các địa phương thuộc Quân khu 7 (QK) có 23,44% số thanh niên đã tốt nghiệp THPT, tăng 1,36% so với đợt 1-2012, trong đó có 13,61% tốt nghiệp CĐ, ĐH tăng 5,77% so với đợt 1-2012. Nếu như đợt 1-2012, tỷ lệ đảng viên tham gia nhập ngũ của QK7 là 2,99%, thì đợt 1-2013 là 4,11%. Tương tự, tại Hà Nội, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương nên đợt 1-2013, chất lượng thanh niên nhập ngũ nâng lên rõ rệt: Tỷ lệ sức khỏe loại 1 và 2 chiếm 69%; tuổi đời từ 18 đến 21 chiếm 79%; trình độ THPT chiếm 68%; có 80 thanh niên tốt nghiệp CĐ, ĐH, chiếm 3%; hơn 700 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ... Do số công dân thuộc diện được miễn, tạm hoãn cao nên mấy năm gần đây, một số địa phương trên địa bàn QK3 gặp khó khăn về nguồn, nhưng đợt 1-2013 này chất lượng thanh niên nhập ngũ của các tỉnh, thành trên địa bàn đều tăng. Đáng chú ý tỷ lệ thanh niên nhập ngũ có sức khỏe loại 1 tăng 6,8%... Để có kết quả trên, theo Đại tá Nguyễn Như Phiến, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu QK3: Năm nay, công tác tuyển quân được triển khai rất tích cực, đồng bộ, đúng luật, đặc biệt là phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Hội đồng NVQS các cấp đã thực hiện đúng quy trình các bước tuyển chọn, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, kết hợp làm tốt chính sách hậu phương quân đội.
    Thanh niên huyện Đan Phượng (Hà Nội) hăng hái lên đường nhập ngũ đợt 1 năm 2013.
     Cùng với hoàn thành chỉ tiêu, theo Đại tá Nguyễn Quang Lạn, Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu QK2, điều đáng mừng trong đợt tuyển quân này, tại nhiều địa phương trên địa bàn Tây Bắc, thanh niên nhập ngũ là con cán bộ, đảng viên tăng đáng kể... Trao đổi với Trung tá Trần Mạnh Hùng - Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng Ban CHQS thị xã Phú Thọ, chúng tôi được biết, trong số các thanh niên của thị xã nhập ngũ đợt 1-2013 có gần 10% là con cán bộ, đảng viên... Trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên, Bộ tư lệnh QK5 cũng chỉ đạo các địa phương nâng dần tỷ lệ đảng viên, công chức và trình độ ĐH, CĐ, chuyên môn kỹ thuật... của thanh niên nhập ngũ. Trong số các thanh niên của QK5 nhập ngũ đợt này, số có trình độ trung cấp, CĐ, ĐH chiếm 5,23%; đảng viên 1,44 %; cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước đạt 0,48%... Trong đợt giao quân này, 100% thanh niên tỉnh Sóc Trăng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Trong số 6000 thanh niên thuộc các địa phương QK4 lên đường nhập ngũ đợt này có 1.135 người dân tộc thiểu số và hơn 200 thanh niên thuộc đồng bào có đạo... Từ thực tế trên địa bàn, Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Phó tham mưu trưởng QK2 cho rằng: "Vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là ở cấp cơ sở trong thực hiện Luật NVQS là rất quan trọng. Nơi nào, ở đâu cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện Luật NVQS thì ở đó hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ...".
    Chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng luật
    Năm nay, các địa phương, nhất là địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới tiếp tục quan tâm gắn tuyển quân với tạo nguồn cán bộ, nguồn dự bị động viên. Trung tướng Nguyễn Ngọc Liên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy QK2 cho rằng: Đối với địa bàn Tây Bắc, gắn công tác tuyển quân với tạo nguồn cán bộ cơ sở và tạo nguồn DBĐV là việc phải làm thường xuyên. Thực tế ở QK2 cho thấy những đồng chí đã qua rèn luyện trong quân ngũ khi hoàn thành NVQS trở về địa phương hầu hết giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ở cơ sở... Đợt 1-2013, các địa phương trên địa bàn QK2 tiếp tục lựa chọn được 526 đồng chí để tạo nguồn cán bộ cơ sở... Đại tá Cao Đắc Cử, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai, nói: Chúng tôi đã cử cán bộ cơ quan quân sự xuống từng gia đình có công dân chuẩn bị nhập ngũ để nắm chắc tâm tư, nguyện vọng, từ đó có biện pháp giúp địa phương quản lý, tuyển chọn công dân nhập ngũ gắn với tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Chúng tôi đã căn cứ vào kế hoạch xây dựng lực lượng DBĐV để phân bổ chỉ tiêu tuyển quân nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn DBĐV.
    Trên địa bàn Thủ đô, theo Đại tá Nguyễn Mạnh Toàn, Trưởng phòng Quân lực Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, nét mới trong công tác tuyển quân năm nay là các địa phương thực hiện nghiêm 6 công khai. Đó là công khai: Danh sách công dân trong độ tuổi nhập ngũ; danh sách công dân thuộc diện miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ; danh sách công dân điều động đi khám sức khỏe NVQS; danh sách công dân trúng tuyển sức khỏe, đủ điều kiện nhập ngũ; danh sách công dân được gọi nhập ngũ; danh sách các trường hợp trốn, tránh, không thực hiện Luật NVQS. Các danh sách được niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư và thông báo nhiều lần trên đài truyền thanh...
    Đợt 1-2013, các địa phương trực tiếp nhận, cấp phát quân trang đến tận tay công dân trước lễ giao quân từ 3 đến 5 ngày. Ngay khi khám tuyển, thanh niên đã đăng ký cỡ số các loại quân trang, nên cơ bản không phải đổi sau cấp phát. Cách cấp quân trang này tạo điều kiện cho các địa phương điểm quân số, nắm lại tình hình tư tưởng của thanh niên để rút bớt lệnh dự phòng trước khi cấp phát quân trang. Sau khi rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm thực hiện việc địa phương đưa công dân nhập ngũ lên bàn giao cho đơn vị ở QK2, thấy rằng cách làm này không phù hợp nên Bộ không chỉ đạo thực hiện tiếp. Các đơn vị nhận quân chủ động chuẩn bị người, phương tiện đón thanh niên nhập ngũ về đơn vị. Đến nay, cơ bản cả nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân đợt 1-2013. Kết quả trên cho thấy, chủ trương kiên quyết của Bộ Quốc phòng "sau khi phúc tra không thực hiện việc bù đổi" đã có tác dụng, góp phần nâng cao trách nhiệm địa phương thực hiện quy trình "tròn khâu" trong công tác tuyển quân.
    Phát huy hơn nữa vai trò địa phương
    Những kết quả đạt được trong công tác tuyển quân đợt 1-2013 là rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những vấn đề đặt ra. Nhiều địa phương không đăng ký quản lý được số thanh niên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ trong độ tuổi nhập ngũ nên chưa tuyển chọn được số thanh niên này vào quân đội. Một số địa phương sơ tuyển không kỹ nên số lượng điều khám nhiều, tỷ lệ dự phòng cao, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Do hiểu chưa đầy đủ về quy trình "tròn khâu" trong tuyển quân nên vẫn có nơi cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể cấp trên làm thay chính quyền cơ sở. Con em cán bộ, đảng viên nhập ngũ ở một số nơi có rất thấp...
    Trong thực hiện quy trình "tròn khâu", Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nêu kinh nghiệm của các địa phương trên địa bàn QK2: Tròn khâu phải do cấp thôn, bản thực hiện, vì đó là cấp trực tiếp với dân, nắm chắc công dân nhất... Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Cơ quan quân sự các cấp phải chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, đồng thời thực sự là trung tâm tổ chức hiệp đồng chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở thực hiện các khâu tuyển chọn theo đúng quy định. Để nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng Luật NVQS kết hợp với giáo dục truyền thống địa phương. Công tác tuyển quân phải gắn với các mặt công tác khác, nhất là công tác xây dựng nguồn cán bộ, đảng viên, nguồn DBĐV ở cơ sở. Chế độ chính sách cần tiếp tục cải cách để thu hút được nhiều công dân tốt nghiệp ĐH, CĐ, THCN vào phục vụ quân đội.
    Theo QDND

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem