(Chinhphu.vn) - Năm 2009, vợ chồng ông Trần Đình Tuấn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) sinh 2 con gái và đặt tên giống nhau. Khi đặt tên con, ông Tuấn không biết trong gia đình đã có bà cô cùng tên (đang còn sống). Vậy, ông có thể đổi tên cho con được không, nếu được thì cần thủ tục gì?
Ảnh minh họa |
Trường hợp được đổi tên
Khoản 1 Điều 36 Nghị định số158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định, “thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự”.
Đồng thời, điểm a, Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng có quy định rõ những trường hợp được quyền yêu cầu thay đổi họ, tên:“Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó".
Trường hợp của gia đình ông Tuấn, nếu ông có giấy tờ, chứng cứ chứng minh được việc tên của 2 người con sẽ “gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp”(tên con trùng tên bà cô) thì sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Thủ tục đăng ký thay đổi hộ tịch
Hai con của ông Tuấn sinh năm 2009, thì hiện nay các cháu mới 4 tuổi. Căn cứ khoản 1 Điều 37 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, thẩm quyền thay đổi tên trong trường hợp này thuộc UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây.
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực, người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch phải nộp các giấy tờ sau:
- Tờ khai (theo mẫu quy định)
- Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi và các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi hộ tịch.
- Đối với việc thay đổi họ, tên, cho người từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải có ý kiến đồng ý của người đó thể hiện trong Tờ khai.
Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch có thể trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính.
Trường hợp gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp thì nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.
Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi, cải chính hộ tịch.
Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc thay đổi, cải chính hộ tịch. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Nội dung và căn cứ thay đổi, cải chính hộ tịch phải được ghi chú vào cột ghi những thay đổi sau này của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức và công dân
Nguồn Chinhphu.vn