Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng dân tộc, là đồng chí thân tín đồng thời là người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến công hiển hách, trường tồn với non song, đất nước, đó là chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Chiến thắng mùa xuân 1975. Ngoài thiên tài về quân sự, Võ Nguyên Giáp còn là nhà chính trị lỗi lạc, là biểu tượng của lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, dù bất như ý nhưng không có một lời than vãn. Vì vậy khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ai không khỏi kính phục, nể trọng. Sự ra đi của ông là một sự mất mát lớn cho dân tộc, cho đất nước, tổ quốc mất đi một vị khai quốc công thần. Trong khi mọi người dân đang dành cho ông sự tiếc thương vô hạn, hàng triệu người xếp hàng để vào viếng ông thì đã có một số trang mạng nước ngoài, dưới ngòi bút của các đối tượng phản động lưu vong có những luận điệu nhằm xúc phạm, hạ thấp uy tín của vị tướng lòng dân này.
Võ Nguyên Giáp - Vị tướng c ủa lòng dân
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khởi đầu từ một đội quân mà không một danh tướng nào trong thời hiện đại có thể làm nên đại nghiệp và phải đối đầu với những kẻ thù đặt trong sự so sánh chênh lệch đến như vậy. Đội quân của của Tướng Giáp khi khởi nghiệp chỉ có 34 người gồm toàn dân quân du kích, huấn luyện và trang bị vũ khí rất hạn chế. Kẻ thù của đội quân ấy là lực lượng quân viễn chinh Pháp hùng hậu với trang bị vũ khí hiện đại nhất lúc bấy giờ. Sau Pháp là quân đội viễn chinh Hoa Kỳ, một quốc gia từ ngày đó đến bây giờ vẫn có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới. Trong suốt 30 năm đối đầu với hai thế lực quân sự hùng mạnh đó, tưởng như Tướng Giáp đang chơi trò “Trứng chọi với đá”, nhưng không, Tướng Giáp đã chiến thắng tất cả các cuộc chiến, trở thành huyền thoại không chỉ của Việt Nam mà còn cả trong lịch sử quân sự thế giới. Những chiến thuật, phương pháp thực hiện chiến tranh của ông đã làm kinh ngạc mọi nhà quân sự tài ba nhất, làm cho những đối thủ thất trận của ông phải nhớ và nhắc mãi về nó, trở thành bài học về thất bại trong chiến tranh được dạy trong các trường quân sự ở Pháp, Mỹ và các nước khác. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tướng Nava và quân đội Pháp không thể ngờ Tướng Giáp đã đưa một lượng dân công hàng trăm nghìn người cách đó hàng trăm cây số đến để vận chuyển vũ khí, không thể ngờ quân đội và dân công dưới sự lãnh đạo của ông đã tháo rời từng bộ phận của các khẩu pháo lớn để vận chuyển lên núi cao, sau đó lại kéo xuống rồi kéo lên, quân Pháp không thể ngờ Tướng Giáp lại nổ súng khai màn tấn công “Pháo đài không thể xâm phạm” vào đúng Thứ 6 ngày 13 tháng 3 năm 1954, một ngày đen đủi theo quan điểm của người phương Tây, quân Pháp chưa đánh đã có tâm lý sẽ bị thất trận vì bị tấn công vào ngày đó. Trong chiến tranh chống Mỹ, “bám lấy thắt lưng địch mà đánh” là một sách lược mang tính chiến thuật không thể phù hợp hơn đối với quân đội Việt Nam lúc bấy giờ, quân Mỹ với máy bay, xe tăng, vũ khí hiện đại đã từ thế chủ động tấn công trở nên bị động trong phòng ngừa, đối phó với quân đội Việt Nam trên chiến trường.
Chiến tranh là điều không ai mong muốn bởi vì nó gây nên nhiều mất mát cả về người và của, để lại hố sâu ngăn cách giữa những người từng ở hai bên bờ chiến tuyến. Nhưng khi kẻ thù chủ động gây chiến, hòng xâm lược cương vực của tổ quốc, biến người dân Việt thành nô lệ thì dù mất mát đến bao nhiêu cũng phải chiến đấu, Bác Hồ đã từng nói để đánh thắng Mỹ có thể đốt cháy cả dãy Trường Sơn. Trong một cuộc chiến không cân sức giữa quân đội của những đế quốc thực dân hùng mạnh, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại với một quân đội của một nước thuộc địa như Việt Nam thì rõ ràng chúng ta phải chấp nhận những thiệt hại lớn hơn về người và của, với lý tưởng cao cả là dành độc lập cho tổ quốc, với phương châm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Những luận điệu cho rằng Tướng Giáp không tiếc sự hy sinh về nhân lực để giành chiến thắng trong chiến tranh là điều không thể chấp nhận, phản ánh sự hiểu biết hạn chế và động cơ chính trị đen tối của một số cá nhân. Tìm hiểu lịch sử đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên khắp thể giới, có dân tộc nào chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược mạnh hơn mà sự hy sinh về người lại ngang bằng hoặc ít hơn so với kẻ thù. Đó chỉ có thể là điều không tưởng. Còn nhớ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau rất nhiều khó nhọc, hy sinh mới kéo được pháo lên các điểm cao quanh cứ điểm, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Nhưng do máy báy địch phát hiện, nếu tấn công quân ta sẽ bị thiệt hại lớn nên Tướng Giáp đã yêu cầu kéo pháo xuống, sau đó mới bí mật kéo pháo lên và chúng ta đã thắng trận, với thương vong ít hơn nhiều. Nếu như Tướng Giáp đã không tiếc máu xương của quân đội, không chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” thì không biết có bao nhiêu người con nước Việt đã ngã xuống. Một minh chứng như thế thôi cũng thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp quý trọng binh lực đến mức nào.
Lâu nay, các đối tượng lưu vong ở nước ngoài không ngừng tìm cách để phá hoại đất nước, làm mất uy tín quốc gia. Khi chúng thấy cả dân tộc ngả mũ, nghiêng mình tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong chúng nổi lên lòng hẹp hòi, ích kỷ, thù hận cá nhân, nghĩ ra các chiêu trò nhằm bôi xấu hình ảnh vị tướng lòng dân. Chúng muốn bôi đen các biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng dân tộc như Võ Nguyên Giáp để thực hiện những mưu đồ xấu xa, làm giảm uy tín của đảng, Nhà nước. Nhưng mục đích chúng đã không thể đạt được khi đến chính kẻ thù của Người cũng cúi mình thương tiếc tiễn đưa trong sự khâm phục chân thành. Mà để được kẻ thù của mình kính phục là điều rất ít vị tướng trong lịch sử làm được. Cả dân tộc đã xích lại gần nhau, đồng thuận trong niềm tiếc thương vô hạn dành cho vị anh hùng dân tộc mà mọi người vẫn gọi một cách thân thuộc, gần gũi: Anh Văn!
Khổng Minh
Nguồn Tiếng nói trẻ