Có thể nói trên thế giới, mỗi quốc gia đều có một thể chế chính trị – xã hội khác nhau nên có lúc đã xảy ra mâu thuẫn giữa các khuynh hướng và định hướng phát triển xã hội. Những nước có bản chất xã hội giống nhau vẫn có những nét đặc thù khác nhau: Chủ nghĩa tư bản Mỹ khác với chủ nghĩa tư bản ở Pháp và cũng khác ở Nhật. Các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc hay Việt Nam cũng có những nét đặc thù riêng. Cho nên ngày nay điều được các nước quan tâm và đặt lên hàng đầu là lợi ích của quốc gia, lợi ích dân tộc nên chế độ chính trị của một nước sẽ do nhân dân nước đó chọn ra để cống hiến cho người dân và đất nước. Ở Viêt Nam cũng vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam và con đường Xã hội Chủ nghĩa đã được lịch sử và nhân dân Việt Nam lựa chọn; đại diện và vì lợi ích của nhân dân và dân tộc Việt Nam.
Thực tế lịch sử đã chứng minh khi đất nước phải trải qua những giai đoạn bị sự đô hộ, xâm lăng của thực dân, đế quốc thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện lãnh đạo nhân dân đứng lên dành lại độc lập; Đảng lấy nền tảng cơ sở tư tưởng là Chủ nghĩa Mac Lênnin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng, giữ vững chính quyền mới. Một Nhà nước khác về bản chất so với Nhà nước dưới các chế độ khác, là Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là chủ nhân của Nhà nước, mọi quyền lực của Nhà nước đều là quyền lực của nhân dân, thuộc về nhân dân.
Thời kỳ đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, đế quốc Mỹ rồi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây – Nam, biên giới phía Bắc là một thời kỳ lịch sử đặc biệt: “Đảng ta phải áp dụng những phương thức lãnh đạo đặc biệt, với các biện pháp chính trị cứng rắn, quyết đoán. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện, nhằm thống nhất cao độ sự lãnh đạo chính trị và thực hành chính trị, buộc toàn Đảng, toàn dân phải hy sinh một phần các quyền dân chủ cho mục tiêu trước mắt lớn hơn là độc lập, thống nhất nước nhà. Đặc điểm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện ở sự hòa quyện, không phân biệt rõ chức năng Đảng lãnh đạo Nhà nước và chức năng Nhà nước quản lý xã hội, Đảng với Nhà nước dường như là một. Đảng đóng vai trò tổng chỉ huy và tổ chức toàn bộ công cuộc kháng chiến và giải phóng đất nước. Do đó, đường lối, chủ trương của Đảng không dừng lại ở các nguyên tắc chung mà thường rất cụ thể, bao quát các chức năng của Nhà nước”.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 thì cơ chế là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, theo đó ta hiểu Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không điều hành xã hội thay Nhà nước; Nhà nước quản lý xã hội nhưng không xa rời sự lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nói rõ phương thức lãnh đạo của Đảng: “Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương công tác; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị”.
Đảng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trong đó, xây dựng một đất nước Việt Nam với chủ trương giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quá trình hoạch định đường lối cách mạng, Đảng luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, không giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội. Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng đều có những chủ chương phù hợp với từng thời kỳ cách mạng của đất nước, thẳng thắn nhận những khuyết điểm, những hạn chế còn tồn tại và đã được Đảng nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục thông qua các nghị quyết. Đứng trước những khó khăn trong tình hình mới, Đảng cần có những bổ sung, sửa đổi sao cho phù hợp để tiếp tục phát triển đất nước, điều đó là trách nhiệm của Đảng, của mỗi Đảng viên và cũng là trách nhiệm của toàn dân tộc. Điều đó càng hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay khi các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá cách mạng Việt Nam; đặc biệt là một số người tự nhận là trí thức, họ bôi nhọ, nói xấu, phủ nhận vai trò của Đảng, đưa ra những luận điểm hết sức phản động mà tự xưng là vì tự do, vì dân chủ, ủng hộ thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi xóa bỏ nội dung Điều 4 Hiến pháp, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Tôi rất đồng tình với ý kiến rằng: “Bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay chế độ một đảng, mà phụ thuộc ở chỗ, Ðảng cầm quyền đại diện cho lợi ích của ai, sử dụng quyền lực nhà nước vào những mục đích gì”. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được lịch sử va thực tiễn chứng minh; đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công con đường cách mạng Việt Nam, phát triển đất nước, cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ và văn minh.