QĐND - Gần đây, một số bình luận của các trang thông tin nước ngoài, blog cá nhân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang tụt dốc không phanh, liên tục phá đáy. Họ cũng đưa ra dự báo nền kinh tế sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một cái nhìn tỉnh táo, trung thực và khách quan về tình hình để có niềm tin vượt qua khó khăn, thử thách.
Gần đây, một số bản báo cáo về kinh tế Việt Nam vừa được các cơ quan, tổ chức ngân hàng, tài chính hàng đầu thế giới công bố. Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam tháng 7-2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại và thời gian sắp tới. Ngay phần đầu của bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: "Môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định"; "lạm phát ở mức vừa phải: 6,7% (tháng 6-2013)", "tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài: tỷ giá giao dịch trung bình của ngân hàng thương mại chỉ tăng khoảng 1,6% trong vòng 12 tháng qua"; "dự trữ ngoại hối được cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu (quý I năm 2012) lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu (quý I năm 2013)"; "mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện: tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng (CDS) giảm từ mức 350 điểm cơ bản (tháng 6-2012) xuống khoảng 250 điểm cơ bản (tháng 6-2013)".
Ảnh minh hoạ: Dantri.com.vn.
|
Cũng theo WB, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã được cải thiện. Theo đó, xuất khẩu tăng ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn (9,9 tỷ USD) và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dầu thô, giày dép… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. WB đánh giá, mức thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm 2013 của kinh tế Việt Nam ước khoảng 1,4 tỷ USD là ở "mức thấp". Trong năm 2012, Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục – đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP (năm 2009) sang mức thặng dư 5,9% GDP (năm 2012). WB dự báo, cán cân thanh toán vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy là ở mức độ sẽ thấp hơn năm 2012.
Về độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy giảm từ 11,8% GDP (năm 2008) xuống khoảng 7,7% GDP trong 6 tháng đầu năm 2013, nhưng Ngân hàng Thế giới cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN.
Đánh giá triển vọng của kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng trưởng kinh tế ước tính ở mức 5,3% trong năm 2013 và khoảng 5,4% vào năm 2014. Lạm phát dự kiến ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013. Như vậy, nhận định của Ngân hàng Thế giới cũng gần giống với những chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đưa ra. Theo đó, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% và kiềm chế mức lạm phát ở khoảng 8%. Có thể thấy, nếu làm được như vậy, Việt Nam đã thực hiện được một nhiệm vụ rất khó là vừa kiềm chế được lạm phát (lạm phát cả năm 2011 lên tới 18,13%), vừa giữ tăng trưởng kinh tế ở một mức độ phù hợp để tạo tiền đề cho sự tăng tốc khi điều kiện thuận lợi hơn.
Hồi tháng 5-2013 vừa qua, sau khi tiến hành khảo sát thực tế tại Việt Nam, Đoàn tham vấn kinh tế vĩ mô thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam. Cụ thể là kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu đang hồi phục từ mức đáy, chủ yếu nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số xuống còn khoảng 7%. Trưởng đoàn cán bộ IMF, ông An-phờ-rét Xíp-ky (Alfred Schipke) khẳng định, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, mà nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.
IMF cũng khẳng định thị trường tài chính đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Tương tự như đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam đã tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012. Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2-2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ.
Đối với quản lý vàng, một vấn đề gây nhiều tranh luận trong thời gian qua, IMF nhìn nhận, nỗ lực của Chính phủ nhằm dừng việc các ngân hàng huy động vàng để cho vay và các hoạt động đầu cơ khác đã có hiệu quả. Đoàn IMF ủng hộ các biện pháp cấm ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng là vì lợi ích của ổn định tài chính và không thấy trường hợp nào cần rút lại các biện pháp quản lý hành chính đã được thực hiện.
Có thể thấy, các nhận định, các số liệu thống kê về kinh tế Việt Nam của các ngân hàng, tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cũng gần giống với nhận định và số liệu thống kê của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Không hề có chuyện các cơ quan của Việt Nam đã "đánh bóng", "tô hồng" số liệu như nhận định của một số trang thông tin, blog cá nhân trên mạng. Đây cũng là những câu trả lời đầy sức nặng cho những nghi ngại, những đồn đoán, những đánh giá cảm tính rằng nền kinh tế Việt Nam đang "tụt dốc không phanh" và sẽ "sụp đổ trong tương lai gần". Nguyên nhân dẫn tới những nhận định phi lý ấy, không ít trường hợp là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và có những trường hợp là vì mang dụng ý xấu.
Ai cũng biết nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn. Thế nhưng có thể nhận rõ rằng, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng là nằm trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải chịu những ảnh hưởng lớn. Là một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thì việc sụt giảm nhu cầu ở các thị trường trên thế giới đã gây tổn thất không nhỏ cho các ngành hàng của Việt Nam. Như một hiệu ứng dây chuyền, khó khăn của doanh nghiệp kéo theo khó khăn của ngân hàng, rồi thị trường bất động sản đóng băng, giá trị của đồng Việt Nam (VND) bị suy giảm nhất định so với USD...
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng của cả đất nước, chúng ta đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, bước dần ra khỏi những thời khắc gay go nhất.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, sức mua đang được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm đã tăng 7,5% so với cùng kỳ (theo số liệu 5 tháng đầu năm 2013). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1.275.414 tỷ đồng, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng vẫn tăng 4,9%.
Hàng tồn kho đang giảm đều đặn. Từ chỗ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm 1-1-2013 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước thì đến thời điểm 1-6-2013 chỉ còn tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2013 so với tháng 5 năm 2013 chỉ tăng 0,05%. Chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm như: Thực phẩm, giao thông, bưu chính viễn thông giảm. Sức ép về giá cả lên đời sống của người dân đang giảm dần.
Cùng với việc nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng, Nhà nước luôn tập trung chăm lo vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Càng trong khó khăn thì giá trị của một chế độ chính trị-xã hội hướng tới con người càng được thể hiện rõ. Trong khi Chính phủ tại nhiều quốc gia đã và đang rậm rịch để cắt giảm lương của nhân viên Nhà nước, cắt giảm lương hưu, mức trợ cấp xã hội, thì tại Việt Nam, từ 1-7-2013, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã tăng từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng. Cùng với đó, Nhà nước cũng tăng thêm 9,6% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với một số đối tượng.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 21,6 nghìn tấn lương thực. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2013 là 2.659 tỷ đồng.
Tuy kinh tế của Việt Nam đang rất khó khăn nhưng đại đa số người dân Việt Nam vẫn có đủ cơm ăn, áo mặc, không những thế một tỷ lệ không nhỏ người dân đã "ăn ngon, mặc đẹp", chất lượng sống ngày càng cao. Muốn đất nước vượt nhanh hơn ra khỏi cơn bão khủng hoảng kinh tế để tăng tốc phát triển thì cả xã hội Việt Nam đều phải nỗ lực, chung sức, chung lòng. Từ những nhà làm chính sách, những người làm công tác quản lý cho tới từng người dân cần nâng cao trách nhiệm, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước để Việt Nam sớm trở thành nước "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", giàu mạnh, văn minh như mục tiêu đã đề ra.
Theo HỒ QUANG PHƯƠNG- QDND