• Nhạc teen bị thả nổi với nhiều chiêu gây sốc bệnh hoạn


    vào lúc Chủ Nhật, tháng 12 16, 2012
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, ngày càng kém chất lượng với những ca từ nhảm nhí, gây shock bệnh hoạn. Các thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố hở hang, scandal hơn là tài năng thực sự…

    “Thảm họa” nhạc teen!
    Nhạc trẻ là một trong những loại hình âm nhạc đang rất được phổ biến ở Việt Nam. Nhạc trẻ hấp dẫn người nghe bởi tính sôi động, phù hợp với xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên vì mải chạy theo thị hiếu số đông mà nhiều ca khúc bị “biến chất” với những ngôn từ kém chất lượng và phản cảm.
    Tại buổi hội thảo Âm nhạc với tuổi trẻ -Thực tế và phương hướng ngày 14/12 do Hội nhạc sĩ Hà Nội tổ chức, với sự tham gia của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Tuyên, An Thuyên, Hoàng Vân, Doãn Nho, Cát Vận...; đại diện cho giới trẻ hướng tới những ca khúc có tính nghệ thuật, bạn Lê Cẩm Nhung, sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam bức xúc về ca từ vô nghĩa: “Có những ca khúc câu từ lặp đi lặp lại một cách vô cùng nhàm chán, như bài hát Da nâu , chỉ có 20 từ “ em sống trong ước ao, em sống trong khát kháo, làn da nâu, làn da nâu”…hay nhiều câu nội dung sáo rỗng như “vì sao mỗi tối em đi đâu về khuya, vì sao mỗi tối em lên xe người ta…”, “ người ấy và tôi trong cuộc tình chúng ta”. Bên cạnh đó còn xuất hiện những câu hát mang tính nông nổi, thiếu suy nghĩ như “ tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc”. Vậy tình yêu mà tác giả muốn nói đến là tình yêu gì? Chẳng nhẽ tình yêu vô vị và tẻ nhạt như vậy sao?”
     
    Phi Thanh Vân nổi tiếng với ca khúc Da nâu
    Phi Thanh Vân nổi tiếng với ca khúc "Da nâu"
    Không chỉ Lê Cẩm Nhung, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cũng kể tên một loạt ca khúc nhạc trẻ khiến nhiều người phải suy nghĩ như: Bà xã tôi number one, Thà rằng anh không nhìn thấy, Yêu để rồi chia tay, Giấc mơ không phải là anh…
    Gay gắt hơn, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu gọi những ca khúc nhạc teen giải trí nhảm nhí là  “thứ nhạc gây sốc kiểu nhạc nhái, nhạc chế, nhạc rác, nhạc té ghế, nhạc thảm họa…”
    “Không có sự đầu tư uốn nắn của các tổ chức quan lí âm nhạc chuyên nghiệp, nhạc teen bị thả nổi hoàn toàn, món ăn tinh thần vô bổ chẳng mấy biến thành độc hại với những chiêu gây sốc nhảm nhí bệnh hoạn”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu nhấn mạnh.
    Bên cạnh những ca khúc sáng tác cho giới trẻ với ca từ vô bổ, tại buổi hội thảo, nhạc sĩ Doãn Nho cũng đề cập tới tình trạng “sính nhạc ngoại” của lớp trẻ. Tác giả “Chiếc khăn Piêu” lấy chương trình Giọng hát Việt đang phủ sóng truyền hình làm dẫn chứng. Theo ông,  lẽ ra chương trình phải theo hướng Việt hóa những tinh hoa của nền văn hóa âm nhạc nước ngoài thì ngược lại, hình như muốn khán giả phải “hóa thân” theo thẩm mỹ của nước ngoài. “Chúng ta hiện đã có một kho tàng đồ sộ những bài hát hay thuộc hầu hết các dòng trong nhạc nhẹ - nhạc trẻ, vậy tại sao không sử dụng? Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhưng sao chẳng thấy hồn Việt đâu cả!”, nhạc sĩ Doãn Nho thẳng thắn.
     
    4 HLV của The Voice- chương trình nổi tiếng và cũng nhiều scandal...
    4 HLV của The Voice- chương trình nổi tiếng và cũng nhiều scandal...
    Không chỉ ca sĩ trẻ “sính nhạc ngoại:, theo nhạc sĩ Doãn Nho không ít người làm nghề sáng tác cũng dùng thủ đoạn sao chép nhạc nước ngoài, thậm chí bê nguyên xi cả bài kiểu “cướp cả chì lẫn chài!”
     Bi hài nhạc teen khi nào mới hạ màn?
    Vì sao một số nhạc sĩ trẻ truyền đạt tới người nghe những suy nghĩ nông cạn, tư tưởng bồng bột mà phần nhiều thính giả đông đảo là giới trẻ lại thích thú, và các ca khúc kém chất lượng ngày càng xuất hiện rất nhiều trên thị trường?
    Sự băn khoăn của sinh viên Lê Cẩm Nhung cũng như nhiều khán giả được nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu đưa ra vài nguyên nhân và cũng là thực trạng đang diễn ra trong âm nhạc trẻ.
    Theo nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, sở dĩ lớp ca sĩ trẻ chạy theo thị hiếu hát nhạc thị trường vì so với cát-xê cao ngất ngưởng của các “sao” nhạc thị trường thì cái giá của ca sĩ nhạc chính thống chỉ là cò con, chưa kể thù lao cho nhạc công giao hưởng và nghệ nhân nhạc cổ còn bèo bọt hơn nhiều. Âm nhạc cần kinh doanh nên các chương trình showbiz bao trùm lên mọi sinh hoạt âm nhạc. Các thần tượng ca nhạc ăn khách được công chúng biết đến nhờ những yếu tố “ngoài âm nhạc” nhiều hơn là tài năng thực của họ.
    Truyền hình cần kinh doanh nên ngày càng nhiều hơn các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc theo kiểu ăn xổi, và các chương trình được tài trợ hẳn nhiên chất lượng phải chiều theo thị hiếu bình dân của doanh nghiệp tài trợ.  Báo chí cũng cần kinh doanh nên không ngớt quảng bá những gì liên quan đến nhạc giải trí, kể cả thứ nhạc gây sốc, nhạc thảm họa…
    “Tình trạng bát nháo các giá trị thật giả dẫn đến lệch chuẩn loạn chuẩn trong thẩm mĩ âm nhạc ở giới trẻ đang góp phần làm cô lập, chìm khuất những tài năng thực sự”, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu chua xót nói.
    Nhạc sĩ Doãn Nho cũng nhấn mạnh vào sự liên kết lỏng lẻo giữa sáng tác, lý luận phê bình và nhà đài "Nhiều sáng tác mới ở ngay Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó không ít những bài có chất lượng nhưng hình như đó chỉ là những sản phẩm xa lạ, nằm ngoài nhu cầu của Đài Hà Nội".
    Trước đó, trao đổi với Dân trí, nhạc sĩ Phan Anh Dũng đã chia sẻ góc nhìn về thực trạng âm nhạc với tuổi trẻ ở khía cạnh nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng. Theo nhạc sĩ Phan Anh Dũng, sở dĩ có sự bát nháo, giá trị nghệ thuật đảo lộn trong nhạc trẻ là vì chưa được sự giáo dục đến nơi đến chốn, nền tảng nhận thức non kém của một bộ phận nhạc sĩ trẻ. Khán giả trẻ thích thú với những ca khúc có ca từ nhảm nhí phần nhiều theo hiệu ứng đám đông, chưa được định hướng về thẩm mỹ trong âm nhạc. “Làn sóng hâm mộ nhạc Hàn của bộ phận giới trẻ Việt Nam là ví dụ điển hình cho tình trạng đáng báo động chạy theo thị hiếu một cách nông nổi, mù quáng”, nhạc sĩ Phan Anh Dũng nói.
     

    Minh Hằng và Tim là những ca sĩ nhạc teen có lượng fan đông đảo
    Minh Hằng và Tim là những ca sĩ nhạc teen có lượng fan đông đảo
     
    Tại buổi hội thảo ngày 14/12, nhiều ý kiến thảo luận đều nhắc đến trách nhiệm của các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý và các phương tiện truyền thông trong mối liên kết mạnh mẽ trong việc làm trong sạch nhạc trẻ.
    “Điều cần làm là giúp lớp trẻ có được “bộ lọc” tốt thay vì triệt để kiểm soát bằng cách chặn đứng các xa lộ thông tin, đóng cánh cửa tiếp cận thế giới bên ngoài. Làm thế khác nào triệt tiêu nốt cơ hội học hỏi phát triển tài năng ở giới trẻ”, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu nói.
    Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến cũng nhấn mạnh đến vai trò của các nhà quản lý trong việc kiểm soát tình trạng nhố nhăng trong nhạc trẻ: “Các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý chưa thực sự sát với thực tế; không theo kịp sự phát triển và hội nhập;  mọi  quy định, nghị định còn trồng chéo, buông lỏng, không mang lại hiệu quả dẫn đến nhiều kẽ hở trong hoạt động sáng tác, truyền thông; Quý chế biểu diễn thì có những quy định khiến cho nhiều người phải “dở khóc, dở cười”…
    Dù đưa ra nhiều dẫn chứng thực trạng nhạc dành cho giới trẻ, tuy nhiên buổi hội thảo mới dừng lại ở những bức xúc, lời chia sẻ chứ chưa đưa ra được những giải pháp cứng rắn và hiệu quả để ngăn chặn những hạt sạn nổi cộm.
    Xin khép lại bài viết bằng câu hỏi vẫn còn để ngỏ từ lời mong mỏi của nhạc sĩ Doãn Nho “Rất mong cảnh bi hài này sớm được hạ màn…” rằng, bi hài nhạc teen khi nào mới hạ màn?
    Nguyễn Hằng
    (dân trí )       
    Nhạc teen bị thả nổi với nhiều chiêu gây sốc bệnh hoạn Nhạc teen bị thả nổi với nhiều chiêu gây sốc bệnh hoạn10 6 31023

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem