• "Sức mạnh mềm" của Trung Quốc tại Đông Nam Á


    vào lúc Thứ Ba, tháng 12 18, 2012
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Sức mạnh mềm là một thuật ngữ do giáo sư Josheph Nye (một học giả chính trị của Trường Đại học Havard) người đầu tiên đã đưa ra cụm từ "sức mạnh mềm" trong một cuốn sách viết về sự thay đổi trong bản chất quyền lực Mỹ (năm 1990). Sau đó, ông tiếp tục khái quát hóa và nghiên cứu sâu về "sức mạnh mềm" trong các cuốn sách nổi bật sau này của ông như Sức mạnh mềm - các phương thức để thành công trong chính trị quốc tế. Theo đó, sức mạnh mềm có thể hiểu là đó là việc dùng khả năng để giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến đối tượng khác làm theo những gì mình muốn mà không phải ép buộc (điều này trái ngược với quyền lực cứng - được thực hiện chủ yếu bằng cách đe dọa,“mua chuộc”, “khống chế”). Sức mạnh mềm thông qua khả năng tạo ra ảnh hưởng với đối tượng cần tác động bằng cách chi phối đến hệ thống giá trị, làm thay đổi suy nghĩ của họ, qua đó khiến đối tượng này mong muốn và thực hiện đúng điều mà chủ thể tiến hành đã đặt ra. Phương thức tiến hành của việc tiến hành sức mạnh mềm thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục. Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, sức mạnh mềm được tạo dựng trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách quốc gia Trung Quốc từ xa xưa và nay luôn thể hiện rõ tư tưởng Đại Hán, bành trướng sức mạnh mềm đối với các quốc gia, dân tộc xung quanh. Khu vực Đông Nam Á được coi là mục tiêu đỏ trong chiến lược hướng Nam của Trung Quốc. Để tạo ảnh hưởng sâu rộng tại đây, Trung Quốc đã kết hợp nhiều chiêu bài sức mạnh khác nhau, trong đó sức mạnh mềm vẫn được xác định là con bài chiến lược phục vụ cho quá trình xâm nhập và dần thẩm thấu khu vực này. Bản chất của vấn đề tác động ảnh hưởng trong sức mạnh mềm chủ yếu được thực hiện qua chiêu bài “thuyết phục”, khai thác đặc điểm văn hóa dân tộc, nhu cầu kinh tế, và bối cảnh phát triển đồng ý thức hệ mà đánh thẳng vào hệ tư tưởng của nhiều thế hệ con người, tạo cho họ cảm xúc hay cảm giác tin cậy vào Trung Quốc và sẵn sàng trao mình cho họ. Khi đã khống chế được truyền thông đại chúng, Trung Quốc tạo ra cảm giác nghi ngờ, phá tan sự đoàn kết dân tộc, làm nản lòng mọi người, nghi ngờ hệ thống lãnh đạo ở tất cả các cấp, và sau đó tiến tới thiết lập công cụ "Thiên An Môn" sẵn sàng đàn áp. Một khi đã rơi vào trận đồ bát quái của "chiến lược mềm" toàn bộ xã hội sẽ bị khủng bố tin tức. Tin tức bị bóp méo "nghi nghi hoặc hoặc, đúng đúng sai sai, thật thật ảo ảo". "Thiên Tử" sẽ không ngần ngại xiết sợi dây thòng lọng mà nạn nhân không thể kêu được, bởi thông tin hoặc sẽ không thể đến với thế giới, hoặc sẽ bị chế biến, bóp méo một cách tinh vi khiến cho kẻ bị hại nghi ngờ ngay chính bản thân mình.
    Công cụ và biện pháp trong thực hiện nội dung của “thuyết phục” là khá đa dạng. Quy trình này được thực hiện lần lượt đối với từng quốc gia trong khu vực thông qua chiêu bài hỗ trợ phát triển, cho vay tài chính với lãi cực thấp thậm chí không hoàn trả, ký kết các hiệp định thương mại, tuyên truyền văn hóa và lịch sử Trung Quốc, giáo dục tư tưởng, đào tạo ngôn ngữ, ủng hộ và đào tạo giúp nguồn nhân lực… Trong sự trợ giúp, điều đáng quan ngại là vấn đề đào tạo giúp nguồn nhân lực cho các nước trong khu vực. Vấn đề này được đánh giá là khá quan trọng trong việc tác động trở lại đối với chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc. Các nguồn nhân lực được đào tạo cả về chuyên môn và tư tưởng Trung Quốc, khi trở về nước chính các nguồn nhân lực này sẽ là lực lượng chính để thao túng và giúp sức cho quá trình thực hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc tại mỗi nước sở tại.
              Khi nói về sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á, chúng ta cần phải làm rõ đâu là nguyên nhân chính đằng sau nỗ lực mở rộng chiến lược mềm của Trung Quốc ở khu vực này:
               Trước hết, với sức mạnh kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc đang muốn tạo dựng một vị thế cường quốc bền vững, chứ không phải một vị thế lên nhanh và xuống cũng nhanh. Việc thiết lập quyền lực mềm tạo tính bền vững cho vị thế cường quốc của Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ là nền móng cơ bản quan trọng cho tiến trình vươn rộng ra thế giới trong tương lai.
              Hai là, một số nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Lào và Campuchia là các nhà cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc. Việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nước này giúp duy trì nguồn cung cấp tài nguyên cho nền kinh tế Trung Quốc.
              Ba là, với chiến lược vươn mình ra biển lớn, Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và nhất là nhân dân các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông. Một giải pháp mang tính lâu dài, hiệu quả là mở rộng về sức mạnh mềm xuống khu vực Đông Nam Á, một hình thức xâm lăng phi quân sự đã và đang được Trung Quốc thực hiện mang lạ hiệu quả bước đầu.
              Thời cơ trong phát triển, mở rộng sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á thể hiện ở 3 nội dung sau:
              Thứ nhất, sau một thời gian dài Mỹ tập trung vào cuộc “chiến tranh lạnh” chống Liên Xô và các nước XHCN; đẩy mạnh chạy đua vũ trang, Mĩ sa lầy vào cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố với hao tổn lớn về người và vật chất mà không quên mất việc tăng cường mở rộng ảnh hưởng ở Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lợi dụng tình hình đó, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt vươn lên trở thành cường quốc thứ 2 trên thế giới, từng bước thiết lập phạm vi ảnh hưởng của họ ở đây.
              Thứ hai, hiện nay một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Lào, Campuchia, Myanma…. đang có những bước phát triển ấn tượng, vươn lên mạnh mẽ tuy nhiên họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, và xếp hạng trong danh sách nghèo nàn, lạc hậu, tham nhũng đang hoành hành, đây chính là nhân tố thuận lợi cho quá trình thực hiện sức mạnh mềm của người Trung Quốc.
              Thứ ba, Trung Quốc có thuận lợi trong thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa phát huy các nguồn tài nguyên cũng như nguồn chất xám của quốc gia, nhanh chóng hội nhập quốc tế đã và đang gặt hái được nhiều thành công. Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Với những điều kiện to lớn đó đã giúp Trung Quốc mở rộng quan hệ, mở rộng sức mạnh mềm của họ ra các nước trên thế giới, mà trọng tâm là các nước Châu Á, ASEAN. Rõ ràng, Trung Quốc đã đi trước một bước, nhìn thấy sớm được thời cuộc nên đã đề ra các chiến lược cũng như các động thái hợp lí góp phần tạo thời cuộc có lợi cho họ như hiện nay.
    Trong vài năm trở lại đây Trung Quốc đã tăng tốc mạnh tiến trình thực hiện chiến lược sức mạnh mềm vào Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực và có phần chi phối mạnh tới việc định hướng tại một số quốc gia trong khu vực. Sức mạnh mềm đã trở thành thanh nam châm hút các quốc gia kém phát triển này đi theo hướng của Trung Quốc, từng bước buộc họ phải thay đổi chính sách để thích nghi với hệ giá trị mà Trung Quốc đã xác lập.
              Ở Lào, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy chiến lược sức mạnh mềm thông qua việc chuyên chở ngày càng nhiều các gói tiền hỗ trợ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức như: Đầu tư cho giáo dục, thể thao, văn hóa, trồng trọt, khai khoáng, đào tạo nhân lực… Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Lào như đường xá, cầu cống, trường học…các khoản tiền của Trung Quốc đã giúp phát triển kinh tế nước này trong khi vẫn tạo ra một cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu, phục vụ cho xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại các hàng hóa từ Vân Nam, Quảng Tây và Tứ Xuyên. Theo Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Lào – Sinlavong Khoutphaythoun, hiện tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã lên tới 3,577 tỷ USD, đứng thứ hai sau Thái Lan. Hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào bắt đầu từ năm 1998 – 1999. Trong đó lĩnh vực chủ yếu bao gồm khai thác khoáng sản (112 dự án), công nghiệp (4 dự án), và các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng… đặc biệt chú ý là dự án phát triển đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở bắc Lào và dự án nhà máy sản xuất giấy ở tỉnh Savannakhet.

    Theo như hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc, năm 2010, Lào và Trung Quốc đã giảm thuế cho hàng hóa của nhau xuống còn 0 – 5% đối với tất cả mặt hàng, trừ những mặt hàng nhạy cảm và gây ảnh hưởng đến an ninh mỗi nước. Theo đó chính phủ hai nước đề ra chỉ tiêu thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2010.
              Tại Campuchia, trong vài năm trở lại đây Trung Quốc đã tăng tốc mạnh tiến trình thực hiện chiến lược sức mạnh mềm vào Campuchia trên nhiều lĩnh vực và có phần chi phối mạnh tới việc định hướng cho quốc gia này. Trung Quốc đang đuổi nhau với Mỹ và một số quốc gia khác để trở thành đối tác thương mại lớn của Campuchia. Trung Quốc đã viện trợ hàng triệu USD cho Campuchia trong thập kỷ qua, đã đồng ý xóa nợ và trao cho Campuchia tình trạng miễn thuế quan đối với khoảng 400 mặt hàng. Sức mạnh mềm tại Camphuchia đặc biệt được thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế trị giá tới hàng tỉ USD với Campuchia. Đây là một phần trong khuôn khổ của quá trình hợp tác sâu rộng mà Trung Quốc muốn tạo dựng tại Campuchia. Bên cạnh đó, các thỏa thuận song phương bao gồm các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc đối với Campuchia cũng được tăng dần. Từ năm 1992, Trung Quốc đã viện trợ và cho Campuchia vay 930 triệu USD. Phía Trung Quốc cũng cám ơn Chính phủ Campuchia đã giúp trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ, vốn bỏ trốn sau cuộc bạo loạn tại Tân Cương hồi tháng 7/2009. Đặc biệt, ngày 23/6, Trung Quốc đã bàn giao cho Campuchia hơn 250 xe quân sự, điều này đã khiến ông Moeung Samphan, Thứ trưởng quốc phòng Campuchia xúc động và nói: "Trung Quốc đã giúp Campuchia trong một thời gian khá dài. những gì mà Campuchia yêu cầu, thì Trung Quốc luôn luôn cung cấp cho chúng tôi bất cứ khi nào họ có thể,". Việc viện trợ này thực sự đã tác động mạnh vào sự thành công trong thực hiện chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc tại đây.

    Những đứa trẻ Campuchia đang chơi đùa cạnh một cây cầu đang xây dở. Đây là công trình ở thủ đô PnomPenh được xây dựng bằng nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc 

    Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa tổ chức cuối tuần qua tại PnomPenh 
    Trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc đến Campuchia đã cảm ơn sự ủng hộ của Campuchia tại cuộc họp của khu vực Đông Nam Á vừa qua, khi có căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Bởi lẽ, trong một thông cáo vào giữa tháng 7, ngoại trưởng của 10 nước ASEAN không đưa ra được một thông cáo chung tại cuộc họp thường niên của họ tại Phnom Penh, vì nước chủ nhà Campuchia bác đề xuất của Việt Nam và Philippines muốn ghi cuộc tranh chấp với Trung Quốc vào thông cáo. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cám ơn Campuchia về “vai trò quan trọng đã duy trì được không khí nói chung là thân thiện giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.”
              Ở Mianma, Trung Quốc thực hiện chính sách nửa vời, vừa coi trọng mối quan hệ với nước này, mặt khác quốc gia Trung nguyên này còn đưa ra các thách thức, cảnh báo cũng như có những đe dọa đến nước láng giềng này. Điển hình là trong năm 2011, Trung Quốc đã cho ngừng dự án đầu tư “khủng” vào thủy điện Myitsone trên sông Irawaddy. Tuy nhiên, lo sợ trước chính sách trọng tâm Châu Á của Mĩ, giành ảnh hưởng đối với Chính phủ dân sự còn non trẻ, loại Trung Quốc ra khỏi quỹ đạo  ảnh hưởng của Mianma, Trung Quốc vừa thực hiện chính sách cứng rắn nhưng cũng vừa mềm mỏng đối với quốc gia láng giềng. Trung Quốc vẫn giữ vai trò chi phối quan trọng khai thác tài nguyên, xây dựng đường ống, đường sá, cầu cảng huyết mạch của Mianma, buộc quốc gia này phải nghiêng về phía Trung Quốc. Không loại trừ khả năng xấu nhất nhưng vẫn có lợi cho họ là sự xuất hiện của Mĩ cũng sẽ làm giảm sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Mianma nhưng vẫn ở thế cân bằng, “lợi bất cập hại”.

      Ông Obama được chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm                                  Myanmar hôm 19.11.2012 Mỹ đang "đẩy" Trung Quốc khỏi Myanmar.
              Với việc Mỹ cường quốc số 1 thế giới thể hiện đang chuyển trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của mình sang các nước Châu Á - Thái Bình Dương, chú trọng trong đó là các nước ASEAN, Trung Quốc đã và đang ráo riết trong cũng cố, đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh mềm của họ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian gần đây cũng làm cho nhiều nước nghi ngại trước sức mạnh “cứng” tăng lên của Trung Quốc.. Nhiều hoạt động tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng Luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia của một số nước bị xâm phạm, cộng đồng trong nước và nhân dân thế giới lên án đã tác động, làm suy giảm đáng kể sức mạnh mềm của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

    Phillip Tran.

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem