• SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI


    vào lúc Thứ Ba, tháng 1 29, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Văn Nam


    Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã xác định "Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới", Quốc hội khóa XIII ngay tại kỳ họp thứ hai đã ban hành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ðây là công việc rất quan trọng, là sự kiện có ý nghĩa chính trị - pháp lý to lớn của đất nước.
    Với mục tiêu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để  kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Ðảng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Ðảng nhằm khẳng định mạnh mẽ ý chí và chủ quyền nhân dân, phát huy hơn nữa dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi lực lượng của Nhà nước và xã hội xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ gìn, phát huy văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường.

    Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn để ghi nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta, do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo; tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trên thế giới.

    Nhìn lại 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, có thể thấy rõ giá trị to lớn và ý nghĩa lịch sử của bản Hiến pháp này. Hiến pháp năm 1992 ra đời trong bối cảnh công cuộc đổi mới ở nước ta vừa mới bắt đầu; tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi to lớn và rất phức tạp;  chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Ðông Âu sụp đổ; kinh tế - xã hội trong nước lâm vào khủng hoảng; nước ta bị bao vây cấm vận. Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng và tầm nhìn chiến lược sáng suốt, Ðảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991. Và chưa đầy một năm sau, Quốc hội khóa VIII tại kỳ họp thứ 11 (năm 1992) đã thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện Hiến pháp năm 1980, kịp thời thể chế hóa Cương lĩnh năm 1991. Sau gần 10 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, công cuộc đổi mới đã thu được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Ðại hội IX (tháng 4-2001) của Ðảng đã có những bổ sung, phát triển quan trọng về đường lối đổi mới cả về kinh tế và chính trị, đối nội và đối ngoại. Quốc hội khóa X, tại kỳ họp thứ 10 (năm 2001) đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước và chế độ kinh tế.

    Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới được đặt ra, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới. Ðây là đòi hỏi khách quan, cần thiết của hoạt động lập hiến và sự phát triển bền vững đất nước. Hội nghị Trung ương 2 (tháng 7-2011) và Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2012) đã xác định mục đích, yêu cầu, quan điểm và định hướng một số nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ðó là những quan điểm và định hướng cơ bản chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất quan trọng của đất nước, đòi hỏi phải có quan điểm và cách nhìn toàn diện, biện chứng, cụ thể, lịch sử; phải được tiến hành một cách dân chủ, khoa học và thận trọng dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Các đề xuất sửa đổi, bổ sung phải dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; quán triệt đầy đủ nội dung và tinh thần của Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011), các văn kiện Ðại hội XI và các nghị quyết gần đây của Ðảng, đồng thời kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp.

    Với nhận thức nói trên, qua quá trình nghiên cứu, soạn thảo bước đầu, chúng tôi xin nêu một số định hướng cơ bản dự kiến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 như sau:

    Tiếp tục khẳng định nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước. Nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan đại diện của mình, đồng thời nhân dân có quyền bãi nhiệm đại biểu do mình bầu ra nếu họ không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân; có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, thực hiện dân chủ trực tiếp ở cơ sở và có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

    Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chăm lo lợi ích của các thành viên; thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội.

    Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn trong Hiến pháp bản chất, vị trí, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ðảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Mọi tổ chức của Ðảng, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

    Phát huy đầy đủ nhân tố con người, thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo vệ quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khẳng định Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do của mỗi người. Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

    Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải do Hiến pháp quy định. Mọi sự hạn chế quyền công dân phải do luật định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.Quy định các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    Tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, cùng phát triển lâu dài, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể được củng cố và không ngừng phát triển; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Ðất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác đều thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện và thống nhất quản lý.

    Thể chế hóa kịp thời đường lối, chủ trương lớn của Ðảng về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường trong Hiến pháp phù hợp với tình hình mới. Với quan điểm phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, huy động mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

    Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Xác định rõ mục tiêu nhiệm vụ của Quốc phòng và an ninh; xác định vị trí nòng cốt của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

    Về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

    Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

    Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.

    Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân theo định hướng cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của các cơ quan tư pháp, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử.

    Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải xác định và quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực có hiệu lực và hiệu quả trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định như vậy để mỗi cơ quan phát huy đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của mình; hạn chế, không để xảy ra tình trạng lạm dụng quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và đồng thời để nhân dân có cơ sở hiến định giám sát quyền lực Nhà nước.

    Nghiên cứu, đề xuất phương án quy định về đơn vị hành chính lãnh thổ, cấp hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng chính quyền địa phương, hình thành mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa trung ương và địa phương; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của trung ương, đồng thời phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

    Nghiên cứu bổ sung một số thiết chế độc lập như Hội đồng hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước để thực hiện đầy đủ hơn tính dân chủ và pháp quyền của Nhà nước.

    Sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng của đất nước cần phát huy tinh thần yêu nước, quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia đóng góp trí tuệ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các ngành, các cấp. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ là một bước tiến mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem