Nếu phải chỉ ra một tôn giáo nào có cái nhìn tiến bộ nhất về tự nhiên thì
xin chỉ ra rằng đó là đạo Phật. Ngay từ thuở sơ khai, Đức Phật đã chỉ ra chân
lý rằng muôn loài (chúng sinh) sống trên trái đất này đều có quan hệ hữu cơ,
gắn bó mật thiết với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều kiện tồn tại của
loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo theo sự diệt vong
của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này
diệt thì cái kia diệt.
Không phải đợi đến
ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường mới được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết
của toàn nhân loại.
Những hậu quả nhãn tiền của việc
hủy hoại môi trường đang đưa sự sống của loài người chúng ta đến gần hơn với
những hiểm họa diệt vong. Đâu phải ngẫu nhiên mà những cơn bão lũ, những trận
động đất, sóng thần, lốc xoáy đều để lại những hậu quả khôn lường, cướp đi sinh
mạng của hàng ngàn con người? Cơn giận dữ của tự nhiên buộc chúng ta phải tỉnh
ngộ, thay đổi nhận thức về môi trường, các quốc gia, các tổ chức và toàn xã hội
đang nỗ lực để tìm ra những đối sách phù hợp. Phật giáo cũng không nằm ngoài số
đó. Họ đã đề ra và thực hiện những giải pháp của mình để góp phần cải thiện vấn
đề môi trường.
Tác nhân gây nên những vấn đề môi
trường, môi sinh hiện nay không ai khác chính là con người. Sự bùng nổ của các
ngành công nghiệp, sức ép về dân số, sự đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề biến đổi
khí hậu, mất cân bằng về sinh thái, khai thác kiệt quệ các nguồn tài nguyên tự
nhiên… do con người trực tiếp hay gián tiếp gây ra đã làm thay đổi cuộc sống
của chính con người. Do đó, việc giải quyết vấn đề môi trường cũng phải bắt đầu
từ cái gốc ý thức cá nhân. Vấn đề này đã được Phật giáo đề cập và khuyến khích
tín đồ, Phật tử thực hành từ khi Đức Phật còn tại thế. Đối với Phật giáo đồ,
con đường giác ngộ thành Phật phải trải qua nhiều thử thách và một trong những
điều kiện tiên quyết đối với người Phật tử là tâm từ bi đối với mọi chúng sinh.
Tất cả mọi loài sinh ra đều mang
trong mình sự sống, bởi thế, đều cần được tôn trọng và bảo vệ. Đức Phật đã giáo
hóa cho hàng đệ tử về ngũ giới cấm, một trong số đó là vấn đề cấm sát sinh.
Ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sự sống muôn loài,
thì giới cấm sát sinh trong đạo Phật cũng giúp việc giải quyết vấn đề môi
trường, đó là bởi vì việc sát sinh nhằm phục vụ các nhu cầu của con người sẽ
dẫn đến việc mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con
người. Những người sống bằng việc khai thác tài nguyên rừng, tài nguyên biển,
những người cấy trồng, sản xuất nông nghiệp nếu chỉ khai thác tự nhiên bằng
cách tận thu và tận diệt mà không để những tài nguyên đó có thời gian tái tạo
sẽ làm kiệt quệ tài nguyên, khoáng sản. Đó là chưa kể việc khai thác những tài
nguyên khó tái tạo được như than, dầu mỏ… sẽ làm cho các vấn đề môi trường thêm
nghiêm trọng.
Với trí tuệ của bậc toàn giác, Đức
Phật đã chỉ ra chân lí của sự sống, rằng mọi loài sống trên trái đất này đều có
quan hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau, sự sinh tồn của loài này là điều
kiện tồn tại của loài kia và ngược lại sự chấm dứt sự sống của một loài sẽ kéo
theo sự diệt vong của loài khác, có cái này sẽ có cái kia, cái này sinh thì cái
kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Chân lý đó của Đức Phật hoàn toàn phù
hợp với quy luật sinh tồn tự nhiên, cái mà Đác- uyn mãi tận thế kỷ XIX mới khám
phá ra. Trong chuỗi tự nhiên đó, loài này là nguồn sống của loài kia và vì vậy,
nếu một mắt xích trong chuỗi đó bị cắt đứt sẽ làm đảo lộn, thay đổi và dẫn đến
tuyệt diệt.
Đề ra giới cấm sát sinh, Đức Phật
đang giáo hóa để hàng đệ tử của mình thực thi giáo lý từ bi nhưng cũng là trở
về với tự nhiên, sống hòa mình với tự nhiên, hạn chế can thiệp vào tự nhiên để
thỏa mãn mục đích của mình, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo
vệ cuộc sống của chính con người.
Trong xã hội văn minh, hiện đại
ngày nay, con người đã đạt đến trình độ khoa học kỹ thuật cao, điều đó cho phép
con người lý giải được nhiều hiện tượng tự nhiên mà trước đây chưa thể giải
thích được. Điều đó cũng khiến cho con người cho rằng mình đã chế ngự được tự
nhiên, bắt tự nhiên phải phục tùng và vì thế con người cũng làm nhiều việc trái
với tự nhiên, khai thác, bóc lột tự nhiên một cách thái quá làm ảnh hưởng, tác
động đến chính cuộc sống của mình. Đức Phật đã chỉ ra rằng, tất cả những việc
làm đó đều bắt nguồn từ tam độc tham, sân, si của mỗi con người.
Thực tế cho thấy những cá nhân hay
phe nhóm vì lòng tham vô bờ của mình đã khiến họ trở nên mù quáng và tàn ác. Họ
sẵn sàng sát hại, gây chiến tranh, làm cho nghèo đói, bệnh tật lan tràn, tiêu
hủy mạng sống của con người, của các loài và môi sinh cũng từ đó ngày càng hư
hoại thêm. Hoặc để thu được những nguồn lợi trước mắt, song song với việc khai
thác tài nguyên bừa bãi, họ còn xả chất độc hại vào lòng đất, vào sông ngòi,
vào không khí, làm ô nhiễm môi sinh, tác hại đến sức khỏe và gây bệnh tật cho
nhiều người. Đức Phật giáo hóa đệ tử đưa những giáo lý của Phật giáo vào ngay
cuộc sống hiện tại, không tham lam, không tàn ác, không mù quáng làm những việc
tác hại đến muôn loài, qua cách sống thiểu dục, tránh những ham muốn làm ảnh
hưởng đến muôn loài. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị
kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh
vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hủy môi sinh, không khai thác
tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, chỉ khai thác những gì thiết yếu và
khai thác có mức độ để tự nhiên có thời gian tái tạo, để những thế hệ kế tiếp
của mình có thể tiếp tục được khai thác và hưởng lợi từ tự nhiên.
Khẳng định tinh thần Phật dạy về
nếp sống hài hòa với thiên nhiên, những ngôi tự viện của Phật giáo cũng thường
được xây cất trên đồi núi, hay trong khu rừng. Những ngôi tự viên với cây cối
xanh tươi, rợp bóng mát, tỏa không khí trong lành và nếp sống an bình, yên tĩnh
đang trở thành những điểm thu hút tăng ni, tín đồ cũng như khách thập phương
thường tìm đến để hưởng được chốn tu tập lý tưởng và tìm thấy sự thanh thản cho
tâm hồn và khỏe mạnh cho thân thể.
Cũng theo giáo luật của Phật giáo,
hàng năm, chúng đệ tử xuất gia có ba tháng an cư kiết hạ để tập trung tu học
giáo lý, kiểm chứng lại quá trình tu tập của mỗi tăng ni. Truyền thống đó của
Phật giáo xuất phát từ tư tưởng từ bi của Đức Phật, ba tháng an cư của tăng
đoàn cũng trùng vào mùa mưa của nước Ấn Độ xưa, việc hạn chế đi lại vào ba
tháng mùa mưa cũng là để tránh vô tình sát hại những sinh linh nhỏ bé như các
loại sâu bọ, côn trùng. Đó vừa là minh chứng về tinh thần bác ái mà đạo Phật
chủ trương, vừa là hành động tích cực thể hiện tình yêu thiên nhiên và thái độ
có trách nhiệm đối với môi trường của mỗi người con Phật.
Còn theo truyền thống của Phật giáo
Bắc tông, vấn đề ăn chay của tăng ni, Phật tử cũng là một giải pháp hữu ích đối
với vấn đề môi trường. Ngoài những tác dụng với con người về mặt sức khỏe đã
được chứng minh, việc thực hành ăn chay cũng đem lại những tác dụng thiết thực
cho vấn đề môi trường, giúp cải tạo và cân bằng môi trường sống. Việc hạn chế
và không sử dụng những sản phẩm từ động vật sẽ giúp một số loài tránh khỏi nguy
cơ diệt chủng, vĩnh viễn không còn tồn tại trên thế giới. Việc chủ trương ăn
chay do Phật giáo Bắc tông khởi xướng không chỉ đem lại những lợi ích thiết
thực cho người phát tâm thực hiện, tạo chuyển biến trong suy nghĩ của mọi người
về vấn đề môi trường và việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Trong những phương pháp bảo vệ môi
trường thiết thực của đạo Phật thì ăn chay hiển nhiên là phương pháp đứng đầu.
Việc ăn chay ngoài việc bảo vệ sức khỏe chính bản thân người ăn chay, đó còn là
cách hiệu quả và khả thi nhất mà một người có thể làm ngay để bảo vệ môi trường
sống. Chúng ta có thói quen ăn thịt từ lâu nên việc thay đổi là rất khó, do đó,
người Phật tử bằng nhận thức và sự giác ngộ của mình, một cách thật nhẹ nhàng
thực hiện việc ăn chay. Hiểu lợi ích của việc ăn chay để làm tăng niềm tin
trong bản thân, để đủ lý lẽ và nghị lực cho việc ăn chay cũng chính là cách tốt
nhất để người Phật tử thực hiện giáo lý của Đức Phật đồng thời đem lại những
lợi ích cho việc bảo vệ môi trường, bảo đảm tương lai tốt đẹp cho thế hệ mai
sau.
Quan điểm, giáo lý của đạo Phật về
vấn đề môi trường quả đáng trân trọng!
Smith Peter