• Chính sách mới thiết thân với người lao động


    vào lúc Thứ Tư, tháng 5 01, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Từ ngày 1/5, Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 có hiệu lực thi hành, những chính sách mới liên quan đến chế độ nghỉ thai sản, tiền lương, tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm… được người lao động đặc biệt quan tâm, mong đợi.
    Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp người mẹ được nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động
    Tăng thời gian nghỉ thai sản: Thiết thực, nhân văn
    Chỉ còn một tháng nữa, chị Nguyễn Phương Chi, cán bộ kiểm toán, Hà Nội sẽ sinh con thứ hai. Nhớ lại khi sinh đứa con đầu, mới 4 tháng đã phải đi làm, trưa nào cũng tranh thủ về nhà cho con bú rất vất vả mà bé cũng không được chăm sóc tốt.
    Vì vậy, khi biết có quy định mới phụ nữ sinh con được nghỉ 6 tháng cùng nhiều chế độ ưu đãi khác chị thấy rất vui:
    “Ngày trước được nghỉ có 4 tháng đã phải đi làm, việc chăm sóc con cũng vất vả. Bây giờ với chính sách này tôi thấy phấn khởi vì có thời gian chăm con nhiều hơn. Con được bú sữa mẹ vẫn là tốt nhất. Con có sức đề kháng tốt hơn, sẽ cứng cáp, khỏe mạnh hơn và cũng đỡ phải thuê người trông. Điều này thực sự sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho người lao động”.
    Theo chị Chi, việc tăng thời gian nghỉ thai sản, tuy kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng, nhưng điều này sẽ tốt hơn so với việc người mẹ đi làm sớm, con hay ốm đau. Khi đó không chỉ tốn kém về tiền của, thời gian mà còn khiến cho cả cha lẫn mẹ đều không yên tâm công tác.
    Là Tổng Giám đốc của 1 doanh nghiệp có khoảng 2.500 công nhân, trong đó số lao động nữ chiếm đến trên 4/5, mỗi năm khoảng 10% công nhân nữ nghỉ sinh con, ông Trần Văn Lĩnh chia sẻ, khi áp dụng chính sách này, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên, cũng có thể khắc phục được.
    Lý do ông Lĩnh đưa ra: “Việc tăng thời gian nghỉ sinh cho lao động nữ là rất nhân văn, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Xét về sự phát triển lâu dài và bền vững, việc tạo điều kiện cho bà mẹ, trẻ em là cần thiết. Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp người mẹ được nghỉ ngơi, tái tạo lại sức lao động”.
    Bên cạnh đó, theo ông Lĩnh, rất cần sự kết hợp đồng bộ giữa biện pháp tăng thời gian nghỉ thai sản với việc quan tâm xây dựng các nhà trẻ đạt chuẩn trong các khu công nghiệp để người mẹ yên tâm làm việc. Có như vậy chính sách mới trở nên đồng bộ, thiết thực và ý nghĩa hơn.
    Linh hoạt về độ tuổi nghỉ hưu sẽ hợp lý hơn
    Quy định về việc tăng hoặc giảm tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều 187 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm, mong đợi của người lao động.
    Theo bà Lê Thị Thanh Loan, giảng viên đại học (TP. Cần Thơ), vấn đề tăng, giảm tuổi nghỉ hưu dành cho người lao động làm việc trong một số môi trường, điều kiện đặc thù cũng đã được quy định tại một số văn bản pháp luật. Trong quá trình thực hiện các quy định đó cũng đã chứng minh được sự phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội.
    Xu hướng tuổi thọ bình quân của nước ta đang ngày càng tăng, việc tăng tuổi nghỉ hưu với một số nhóm lao động, công việc nhất định sẽ tạo điều kiện để người lao động tiếp tục tham gia đóng góp, cống hiến khả năng, kinh nghiệm của mình.
    “Đây cũng là một cách quản lý linh hoạt, hiệu quả những lao động chuyên môn cao, có kinh nghiệm”, bà Loan nói.
    Còn đối với việc giảm tuổi nghỉ hưu cho những người làm công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm, theo bà Loan đây cũng chính là cách để bảo vệ người lao động. Bởi làm việc quá sức, lâu dài trong những môi trường như vậy sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe của người lao động
    Đồng quan điểm, theo Luật sư Hà Thị Thanh (Công ty Luật Song Thanh, tỉnh Hưng Yên), quy định linh hoạt về độ tuổi nghỉ hưu sẽ hợp lý hơn, bởi vì mỗi ngành nghề có đặc thù riêng nên yêu cầu đối với người lao động là khác nhau và vì thế độ tuổi về hưu sẽ phải khác nhau.
    Luật sư Thanh nêu: Đối với những công việc lao động đòi hỏi kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm phong phú thì người lao động càng lớn tuổi càng có độ “chín” về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, còn những công việc đòi hỏi sức khoẻ, sự năng động hoặc trong môi trường nguy hiểm, độc hại thì cần phải người lao động cần phải có thời gian được nghỉ hưu sớm hơn để đảm bảo sức khoẻ. Quy định này là phù hợp với thực tiễn ở cơ sở và mong muốn của người lao động.
    Những thay đổi về hợp đồng lao động đã góp phần hoàn thiện hơn quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động

    Thuận tiện trong tuyển dụng và sử dụng lao động
    Liên quan đến những quy định mới về hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động, ông Cao Xuân Hồng, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Hưng Yên cho rằng, quy định đã tăng tính linh hoạt trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động thông qua việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động và bổ sung một số vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn mà người lao động đã có kiến nghị.
    Cụ thể, cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, nâng mức tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc “ít nhất bằng 85%” mức lương của công việc đó so với 70% của Luật hiện hành; quy định mới về cho thuê lại lao động tạo điều kiện cho người lao động có việc làm và các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp FDI thuận tiện trong việc tiếp cận lao động và tuyển dụng lao động”.
    Ông Hồng Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cũng cho rằng, những thay đổi về hợp đồng lao động đã góp phần hoàn thiện hơn quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các loại hợp đồng quy định trong Điều 22 của Bộ luật là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
    Quy định mới về việc cho thuê lại lao động, theo ông Hồng Anh là phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế-xã hội. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dệt, may mặc như Công ty ông.
    “Có những thời điểm chúng tôi cần tăng lao động lên gấp đôi để giải quyết đơn hàng gấp, nếu được doanh nghiệp khác đang ít việc cho thuê lại lao động chỉ trong 1 hoặc 2 tháng thì sẽ có lợi cho cả 3 bên, doanh nghiệp chúng tôi, doanh nghiệp bạn và người lao động”, ông Hồng Anh nói.
    Tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong chính sách tiền lương
    Ông Nguyễn Đức Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Viện máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) cho rằng những sửa đổi về chính sách tiền lương nêu trong Bộ luật Lao động đã hướng tới sự tự chủ của doanh nghiệp.
    Cùng với việc tạo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động trong việc xây dựng và điều chỉnh thang, bảng lương theo nhiều mức khác nhau để trả lương cho người lao động thì điều này cũng tăng thêm trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo đời sống người lao động.
    "Tiền lương rất quan trọng với người lao động do đó để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần có chế độ tốt về tiền lương. Đây cũng là vấn đề vì sự bền vững của chính doanh nghiệp”, ông Minh nói.
    Theo ông Nguyễn Quý Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Dược Việt Nam, việc người sử dụng lao động tự chủ xây dựng thang bảng lương và đăng ký với cơ quan quản lý lao động là hợp lý. Quy định này giúp cho người sử dụng lao động chủ động được trong việc trả lương và tính toán hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
    Một vấn đề cũng được ông Sơn nêu ra, đó là việc làm thêm vào ngày lễ, ngày nghỉ. Ông Sơn kiến nghị "phải quy định rõ có được nghỉ bù hay không, bởi nếu có nghỉ bù thì hưởng lương ít nhất 300% là quá cao”.
    Đối với làm đêm, ông Sơn cho rằng: “Cần xem xét cụ thể từng loại công việc vì có việc chắc chắn phải làm đêm như bảo vệ, làm ca… song họ lại nghỉ ngày nên việc trả lương tăng lên mức 30% là khá cao”.
    Những sửa đổi về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định sẽ tạo sự công bằng hơn trong lao động

    Tạo sự công bằng hơn trong lao động
    Theo luật sư Trần Cảnh Nhứt, Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng, quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi tại Bộ luật Lao động là sự tiến bộ, nhằm bảo vệ sức khoẻ người lao động, tạo điều kiện để người lao động phục hồi, tái tạo sức khỏe sau thời gian làm việc.
    Ngoài ra, theo luật sư Nhứt, việc Bộ luật Lao động thống nhất một mốc chung để áp dụng trong cả nước về giờ làm việc ban đêm (được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và quy định giờ làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động) sẽ tạo sự công bằng hơn trong lao động.
    Còn bà Đoàn Thị Thu Thúy, Phó Chánh Văn phòng, Công ty cổ phần May Đồng Nai nêu quan điểm, cần thêm quy định mở hơn về thời giờ làm thêm trong một giới hạn nào đó để doanh nghiệp thực hiện.
    Lý do bà Thúy đưa ra là thực tế nhiều người lao động muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập, còn đối với doanh nghiệp trong một số trường hợp rất cần làm thêm giờ để đáp ứng yêu cầu khách hàng.
    “Không phải lúc nào, chúng tôi cũng yêu cầu người lao động tăng ca, làm thêm giờ. Có những tháng không có nhiều đơn hàng, thậm chí người lao động còn không có việc để làm. Do vậy, chúng tôi rất cần có hướng dẫn sớm để vừa đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động, vừa đảm bảo công việc kinh doanh của doanh nghiệp được thuận tiện”, bà Thúy bày tỏ ý kiến.
    Theo  CTTDTCP

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem