Ông Lê Hoàng Việt (tỉnh Vĩnh Long) giảng dạy tại trường Sư phạm Kỹ thuật 4 (nay là Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) từ tháng 2/1994-9/2003, sau đó xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp 1 lần. Tháng 9/2012, ông Việt ký hợp đồng 1 năm, giảng dạy tại trường Đại học Xây dựng miền Tây.
Ông Việt muốn được biết, với thời gian công tác như trên, ông có được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không?
Về trường hợp ông Việt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, khoản 1 Điều 2 Nghị định số54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo quy định, điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên là nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng).
Điều 1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 54/2011/NĐ-CP quy định, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập.
Đối chiếu quy định trên, ông Việt ký hợp đồng giảng dạy, giáo dục từ tháng 9/2012 nên ông chưa đủ điều kiện tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Thời gian từ tháng 2/1994 đến tháng 9/2003, ông Việt đã được trường Sư phạm Kỹ thuật 4 giải quyết chế độ trợ cấp 1 lần để nghỉ việc. Do vậy thời gian trên của ông Việt không thuộc thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tin giải đáp công dân qua Cổng TTĐT Chính phủ.
Theo CTTDTCP