• Cử tri, nhân dân tập trung kiến nghị 5 nội dung trọng tâm


    vào lúc Thứ Hai, tháng 5 20, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIII, đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
    Tại kỳ họp này, cử tri và nhân dân cả nước tập trung kiến nghị 5 nội dung trọng tâm: Về tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc; đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội; kiến nghị Quốc hội phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. 
    1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Ảnh: TTXVN
    Về sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, có những giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng trên; đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cấu trúc các doanh nghiệp, kiên quyết giải thể các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
    Cử tri và nhân dân kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, ngư dân, diêm dân, để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, giữ ổn định xã hội ở địa bàn nông thôn; đồng thời có các giải pháp kiên quyết, hữu hiệu xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu.
    Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã có các quyết định sửa đổi một số tiêu chí của Chương trình cho phù hợp với các địa phương. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân kiến nghị cần hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí “Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần” để xây dựng cơ sở hạ tầng; kiến nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với các địa phương nghèo trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới vì việc huy động vốn trong nhân dân rất khó khăn; quy định rõ vấn đề huy động mức đóng góp, tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng… để chương trình này được thực hiện có hiệu quả.
    Về lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh, mặc dù viện phí đã tăng nhưng tình trạng xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở Trung ương vẫn không giảm. Cử tri và nhân dân kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cả về chuyên môn và y đức. Cử tri cũng bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều cơ sở hành nghề y của người nước ngoài hoạt động trái phép, chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
    Cử tri và nhân dân phản ánh, việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm; bệnh thành tích trong giáo dục không giảm. Cử tri và nhân dân cũng phản ánh, hệ thống các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc rất phân tán, trực thuộc nhiều bộ ngành, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, thiếu sự quản lý thống nhất về chương trình, chất lượng đào tạo…
    Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí; đồng thời kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…
    Cử tri và nhân dân cho rằng, tình trạng lãng phí vẫn diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công… Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; nhiều công trình dở dang do thiếu vốn hoặc xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên.
    Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần có những quy định cụ thể; mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất; kiến nghị thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất; việc thu hồi đất cần phải đảm bảo hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
    Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cử tri và nhân dân kiến nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao ý thức trách nhiệm trước cử tri và nhân dân cả nước để việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành thực chất, không hình thức, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Nhà nước thực sự có năng lực, đạo đức tốt, liêm khiết, gương mẫu, có tinh thần kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
    Nguồn QDND

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem