• "Tăng lực" giúp hộ cận nghèo


    vào lúc Thứ Bảy, tháng 5 04, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

    Từ ngày 16-4 vừa qua, Quyết định 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 15) về Tín dụng đối với hộ cận nghèo chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ triển khai quyết định này.
    Rà soát hộ cận nghèo để xác định quy mô vốn 
    - Thưa ông, được biết Quyết định 15 về Tín dụng đối với hộ cận nghèo đã chính thức có hiệu lực, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai thực hiện, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
    Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai, Lào Cai làm thủ tục vay vốn Chương trình 167 hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
    - Trước tiên phải khẳng định, đây là một chính sách rất kịp thời, đúng đắn, đồng thời là lần đầu tiên đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, thoát khỏi nguy cơ tái nghèo. Theo quyết định này, hạn mức vay tối đa đối với mỗi hộ cận nghèo là 30 triệu đồng với lãi suất không vượt quá 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, tức là vào khoảng 10,14%/năm. Quy trình, thủ tục vay vốn được thực hiện tương tự như cho vay hộ nghèo. Chu kỳ cho vay có 3 hình thức gồm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó tối thiểu là 1 năm và có thể kéo dài đến 7 năm, tùy theo mô hình sản xuất. Mức vay và thời gian cụ thể sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và đối tượng vay vốn dựa trên tình trạng kinh tế và phương án sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các hộ đang tham gia những chương trình tín dụng ưu đãi khác như Chương trình 167 về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, Chương trình tín dụng ưu đãi học sinh sinh viên, Chương trình tín dụng ưu đãi với đồng bào thiểu số… vẫn có thể tham gia vay vốn. Tuy nhiên, nếu đối tượng đang vay chương trình tín dụng hộ nghèo thì sẽ không được vay vốn sản xuất kinh doanh và ngược lại. 
    - Triển khai chính sách này, việc đầu tiên cần làm là điều tra, rà soát hộ nghèo để xác định quy mô nguồn vốn, vậy quy trình này đã thực hiện được tới đâu, thưa ông?
    - Cả nước hiện có khoảng 1, 5 triệu hộ cận nghèo, chúng tôi chưa thể thống kê bao nhiêu phần trăm hộ cần vay vốn, nhưng có lẽ nhu cầu vay vốn ưu đãi của hộ cận nghèo không khác gì người nghèo. Những năm trước, do điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép, nên mới chỉ đáp ứng được nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo. Trong số 1, 5 triệu hộ cận nghèo này hiện có 800.000 hộ đã thoát nghèo nhưng đang còn dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo, 700.000 hộ gần như chưa được tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Với số hộ đang còn nợ thì vẫn tiếp tục sử dụng vốn, khi đến kỳ hạn trả nợ được chuyển sang cho vay đối với tín dụng hộ cận nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ rà soát lại số liệu, thu hồi vốn vay tới hạn từ những hộ nghèo đã thoát nghèo để chuyển sang cho vay đối với hộ cận nghèo. Những hộ vay mới sẽ được tạo điều kiện vay mức tối đa 30 triệu đồng /hộ. Hiện nay, ngân hàng đã bố trí hơn 1000 tỷ đồng để bắt đầu thực hiện chương trình.
     Tiến tới dừng việc cho vay không lãi
    - Hiện nay, Chính phủ vẫn đang triển khai cùng lúc nhiều chương trình an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi, ông nhận định thế nào về việc có thêm Quyết định 15? 
    - Tôi cho rằng, đây là một chính sách kịp thời, đúng đắn, đặc biệt nhắm tới nhóm đối tượng trước đây hầu như chưa được nhận hỗ trợ là các hộ cận nghèo. Nhóm đối tượng này khá đông và có nguy cơ tái nghèo rất cao nếu không được tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên cũng phải nói rõ, đây là chương trình tín dụng ưu đãi nhưng vẫn là cho vay có lãi và có thu hồi nợ. Chính vì thế, các hộ cận nghèo cần tỉnh táo, tính toán cụ thể, hợp lý, nhu cầu thiết thực thì mới vay. Không nên cố vay theo tiêu chuẩn mà không xác định được phương thức sản xuất kinh doanh cũng như khả năng trả nợ. Chính sách này có tầm bao quát rộng, vì vậy khả năng đáp ứng nguồn vốn toàn bộ theo nhu cầu là khó khả thi. Chính phủ cần có chủ trương khảo sát cụ thể nhóm đối tượng, nhu cầu vay vốn và quy mô nguồn lực để phân bổ vốn hợp lý. Nếu tính đủ nhu cầu của hộ cận nghèo hiện nay, thì sẽ cần khoảng 45 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, do đó trước mắt phải xác định rõ đối tượng vay, khoản vay, chu kỳ quay vòng vốn để khả năng đáp ứng chỉ trong khoảng từ 15 đến 20 nghìn tỷ đồng. Trên thực tế, ngoài Chương trình ưu đãi tín dụng hộ cận nghèo thì cũng còn rất nhiều chính sách khác cần nguồn tài chính dồi dào, đặc biệt là Chương trình tín dụng ưu đãi học sinh, sinh viên.  
    - Theo ông, thời gian tới cần thực hiện những giải pháp nào để những chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả cao hơn và mang tính bền vững?
    - Về vấn đề này, Chính phủ cùng các ngành chức năng cũng đã phân tích, mổ xẻ cụ thể. Thời gian tới, các chính sách sẽ hướng tới giảm dần việc cho không, tăng đầu tư vào nguồn lực xã hội, từng bước giảm dần đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư cho dân sinh. Đồng thời, sẽ từng bước tiến đến việc chấm dứt cho vay không lãi để người dân thực sự có ý thức về nguồn tài chính được thụ hưởng, có trách nhiệm trong việc nỗ lực sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, trả các khoản nợ, khoản lãi đúng thời hạn… Tới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ mở rộng thêm nhóm đối tượng thụ hưởng các chính sách ưu đãi, kéo dài thời gian thụ hưởng đối với hộ thoát nghèo để họ ổn định cuộc sống, từng bước đi lên vững chắc, tránh nguy cơ tái nghèo.
    - Xin cảm ơn ông!
    Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015. Theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng /người/tháng trở xuống; Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng /người/tháng trở xuống.
    Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng /người/tháng; Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng /người/tháng. 
    Theo QDND

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem