Theo Tiengnoitre
Chào các bạn! Tôi viết những dòng này khi tôi gia nhập Facebook được 25 ngày và có 30 người bạn, nhưng do tính liên kết của Facebook nên chắc chắn có nhiều hơn rất nhiều lần các bạn của tôi đọc được khi tôi đưa lên Facebook của mình. Trước hết đây chỉ là quan điểm cá nhân nên tôi mạm muội xin sự cảm thông từ những người không đồng quan điểm.
Xin bắt đầu từ câu chuyện mới tinh khi một số quân nhân ở Quảng Nam giết voọc rồi tung ảnh lên Facebook, như bạn biết chẳng khó khăn gì để tìm ra người đăng ảnh và những người trong ảnh là ai. Và như vậy sự nghiệp của họ coi như xong. Giờ đối với họ chắc chắn Facebook là nguy hiểm và có hại. Nói đến đây chắc nhiều bạn giật mình, không giật mình sao được, khi đọc những dòng comment của nhiều bạn, bản thân tôi cũng thấy "choáng", định viết vài dòng nhưng lại thôi vì nghĩ rằng có lẽ mình đã lỗi thời.
Nhóm thanh niên hành hạ con voọc chà vá cái đang mang thai và bắt hút thuốc lá trước khi giết thịt. (Ảnh trên Facebook)
Bây giờ chắc các bạn đã hiểu được tôi định nói về điều gì, đó là "sự nguy hiểm của Facebook". Tìm kiếm trên mạng internet về vấn đề này thấy có nhiều bài viết, trong đó có bài nói chuyện của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông chia sẻ quan điểm về sự nguy hiểm của Facebook khi khuyên các bạn nthanh thiếu niên nước Mỹ không nên dùng Facebook vì nó nguy hiểm cho tương lai của họ... đồng thời cũng cấm luôn hai cô con gái của mình tham gia (mặc dù Facebook và các mạng xã hội khác đã giúp ông dành thêm nhiều phiếu bầu để trở thành tổng thống). Nhưng cũng như những bài viết khác mới chỉ ra được hậu quả mà chưa chỉ ra được nguyên nhân của nó, trong khi mọi vấn đề đều phải giải quyết từ nguyên nhân.
Tôi cho rằng nguyên nhân sự nguy hiểm của Facebook đến chính từ những điểm ưu việt của nó. Sự liên kết tìm kiếm bạn bè, chia sẻ những ưu tư, phiền muộn rất nhanh làm bạn như đang sống trong một thế giới khác. Ở đó có sự bù đắp, những đền bù hư ảo mà thế giới thật không thể có được và dần dần bạn bị phụ thuộc vào Facebook. Lúc này Facebook như một thứ tôn giáo với ma lực cực kỳ hấp dẫn, hơn bất cứ tôn giáo nào. Rồi tất cả các giới hạn sẽ dần dần bị phá, mọi thông tin, mọi bí mật của bạn và của những người thân đều có trên Facebook. Mà bạn biết rồi, con người nếu không có bí mật của riêng mình sẽ không còn là mình nữa, nhạt nhẽo chẳng có gì thú vị cả. Đó là chưa kể bao kẻ có thể lợi dụng những thông tin đó để làm liên lụy đến bạn và Facebook đã, sẽ lấy đi rất nhiều, rất nhiều thời gian của bạn. Và còn nhiều, nhiều điều nữa, với "thâm niên" tham gia Facebook lâu hơn các bạn có thể tự rút ra cho mình.
Cũng chính vì "sự nguy hiểm của Facebook" mà quân đội các nước như Mỹ, Trung Quốc... với lý do bảo mật đã cấm các quân nhân của mình tham gia và đưa thông tin cá nhân lên Facebook và các trang mạng xã hội khác như Twitter, MySpace. Bởi họ đã nhìn thấy trước những hậu quả mà Facebook có thể gây ra cho lợi ích quốc gia của họ. Phong trào "mùa xuân Ả Rập" vừa qua là một ví dụ điển hình của việc lợi dụng Facebook và các mạng xã hội để phát động cuộc biểu tình chống chính phủ trên quy mô lớn, mở đầu cho sụp đổ nhanh chóng của một loạt các quốc gia Trung Đông.
Vậy, tóm lại là Facebook có hại hay có lợi. Cái này tôi không kết luận mà dành cho bạn. Chắc nó sẽ có hại cho những ai lạm dụng, phụ thuộc Facebook và có lợi cho những ai dùng Facebook một cách khôn ngoan. Cho đến nay, chưa có bất cứ một văn bản chính thức nào của Nhà nước cấm việc dùng Facebook, song việc nghiên cứu, tính toán để có những văn bản pháp lý cần thiết nhằm hạn chế những tác hại của Facebook cho xã hội, cho mọi người sử dụng nói chung và giới trẻ Việt Nam nói riêng là vấn đề rất quan trọng và cấp bách. Trong khi chờ đợi những văn bản như vậy, tôi cũng như các bạn cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trước hết đối với chính bản thân, sau đó là những người khác và toàn xã hội. Chúng ta cần tự kiểm soát mọi thông tin cá nhân trước khi đưa lên Facebook, tránh xa những đường link độc hại không rõ nguồn, những lời kêu gọi, những phong trào… khi chưa biết bản chất thật sự của nó. Đối với những thông tin cá nhân đã đăng trên Facebook bạn nên đặt chế độ bảo mật để giới hạn quyền truy cập, bình luận, chú thích và chia sẻ những thông tin đó bằng cách thiết lập quyền riêng tư. Và trên hết cần hạn chế truy cập Facebook, đừng để nó chiếm quá nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến việc học tập, công việc và "cuộc sống thật" của bạn. Như vậy là tôi không khuyên bạn bỏ đi Facebook, mà chỉ khuyên các bạn hãy tỉnh táo, thật sự tỉnh táo khi sử dụng nó mà thôi. Bản thân tôi cũng sẽ chưa xóa bỏ Facebook đến khi nào tôi thấy cần hoặc phải làm như vậy. Xin chào! Chúc các bạn của tôi những điều tốt đẹp nhất!