• Bác Hồ, người đặt nền móng xây dựng quan hệ Việt - Mĩ !


    vào lúc Chủ Nhật, tháng 9 01, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →
    Trước đây, khi nói đến quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, như một điều mặc định người ta nghĩ ngay đến cuộc chiến tranh kéo dài gần 20 năm tại Việt Nam, nơi mà người Mỹ đã gây ra nhiều đau thương, mất mát. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì thấy rằng đó là một dấu lặng buồn trong lịch sử thăng trầm của mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà trước đó và sau này mối quan hệ này vốn là tốt đẹp, gắn bó. Người đã có công xác lập, đặt nền móng và xây dựng quan hệ Việt Mỹ đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

    Vào năm 1939, khi Thế chiến II bùng nổ ở Châu Âu, trên đường về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) đã tuyên bố ủng hộ phe Đồng minh (gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và các dân tộc tiến bộ khác chống chủ nghĩa phát xít) chống lại phe Phát xít (gồm Đức, Nhật, Italia và đồng minh), thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc.
    Bác Hồ, người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ

    Năm 1941, sau khi Hạm đội của Mỹ đóng tại Trân Châu Cảng bất ngờ bị quân đội Nhật tấn công, gây thiệt hại nặng, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Roosevelt đã cử các thành viên của lực lượng OSS (tiền thân của CIA) đến Đông Dương, trong đó có Việt Nam chuẩn bị cho kế hoạch phản công lại Nhật. Các thành viên phái bộ của OSS đến Đông Dương đã xem Việt Nam là đồng minh và họ đã có nhiều cuộc gặp gỡ với Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và đón tiếp Thiếu tá Patti của OSS và thống nhất các kế hoạch đánh phá Nhật. Theo thỏa thuận giữa OSS và Việt Minh, Hoa Kỳ hỗ trợ vũ khí, các khí tài và huấn luyện quân sự cho Việt Minh, đổi lại Việt Minh sẽ giúp đỡ, bảo vệ và che chở các phi công Mỹ hoặc quân nhân Mỹ thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội Nhật. Tháng 6 năm 1945, khi OSS đề nghị Việt Minh bố trí cho một sân bay để máy bay cỡ nhỏ có thể lên xuống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và sân bay đã được chuẩn bị tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Cũng trong thời gian này, OSS đã hỗ trợ, tổ chức huấn luyện cho trên 2000 bộ đội của ta còn khá non trẻ khi đó.

    Cuối năm 1944, một máy bay do thám Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam bị Nhật bắn hạ, viên phi công William Saw nhảy dù xuống Cao Bằng và được Việt Minh cứu thoát khỏi vòng vây của Nhật-Pháp. Sau đó viên phi công này được Bác Hồ tiếp đón thân mật và Người đã tìm cách đưa về Tập đoàn không quân số 14 của Mỹ đóng tại Côn Minh, Trung Quốc. Tháng 3 năm 1945, Bác Hồ gặp Trung tướng C. Chennault. Trung tướng cảm ơn Việt Minh và sẵn sàng giúp đỡ những gì có thể theo yêu cầu. Về phần Bác, Người khẳng định quan điểm của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng Minh chống phát xít. 

    Sau khi viết xong dự thảo bản tuyên ngôn độc lập tháng 8/1945, Bác đã cho mời Thiếu tá Patti đến nghe và viên sỹ quan này đã rất ngạc nhiên khi thấy Hồ Chủ tịch đưa vào đó một số câu trong “Tuyên ngôn độc lập” 1776 của Hoa Kỳ.

    Trong ngày lịch sử 02/9/1945, máy bay Mỹ đã bay trên bầu trời Hà Nội, qua quảng trường Ba Đình như là một sự cổ vũ, một tinh thần khích lệ, một sự ủng hộ cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

    Có thể đánh giá, trong thời gian này quan hệ giao hảo giữa Việt Minh và phái bộ OSS là rất tốt đẹp, những quan điểm lớn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thống nhất, là kết quả cuộc vận động ngoại giao khôn khéo, tài giỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Trong hai năm 1945 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, trong đó đáng chú ý là bức thư đề ngày 16/02/1946, khi đó Bác với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao gửi Tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Bức thư đã nêu rõ tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, đứng về phía đồng minh chống phát xít; sự phi nghĩa của cuộc xâm lược mà thực dân Pháp đang đẩy mạnh ở Đông Dương trái ngược những lập trường Mỹ đã nêu trong các hội nghị quốc tế; đồng thời bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Bức thư này đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao cho Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến thăm nước này tháng 7/2013, là bằng chứng đầy tính thuyết phục về nền tảng quan trọng của mối quan hệ Việt Mỹ.

    Có một điều đáng tiếc rằng, sau ngày Việt Nam dành được độc lập, dù Chính phủ non trẻ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố gắng tìm mọi cách để phát triển quan hệ này cho tốt đẹp hơn, nhưng phía Mỹ lại tìm mọi cách để lảng ra và gây nên một cuộc chiến tranh đáng xấu hổ nhất trong lịch sử nước Mỹ từ khi lập quốc.

    Vào ngày 25/8/1969, đúng tám ngày trước khi Người đi về thế giới vĩnh hằng, Người đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon, lên án cuộc chiến tranh với những tội ác mà Mỹ gây ra cho nhân dân Việt Nam, và Người cũng yêu cầu Mỹ hãy “rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự”. Đây là việc làm thể hiện truyền thống rộng lượng của dân tộc Việt Nam kết hợp với sự uyển chuyển đầy linh hoạt trong nguyên tắc đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo đường rút lui cho một siêu cường thế giới mà không bị xói mòn quá nhiều về uy tín trên trường quốc tế. Và như một điều tiên lượng, chính Tổng thống Mỹ Richard Nixon là người đã đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam.

    Năm 1995, Mỹ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ và từ đó đến nay hợp tác giữa hai nước đã không ngừng phát triển, mở rộng về mọi mặt. Trong tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ năm tháng 7/2013 đã khẳng định nâng quan hệ Việt Mỹ lên tầm đối tác toàn diện, đây là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia, mở ra một chặng đường mới cho quá trình hợp tác và phát triển.

    Bây giờ, mỗi khi nói đến mối quan hệ Việt Mỹ chúng ta lại nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh tụ thiên tài của dân tộc đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nên mối quan hệ vững chắc, tốt đẹp giữa hai nước, điều sau cuối Người làm trước khi đi xa cũng là mong muốn cho mối quan hệ này ngày càng được củng cố, gác lại quá khứ đau thương để hướng tới tương lai rộng mở. Với xu hướng như hiện nay chúng ta có quyền hi vọng rằng, rồi đây chứng tích về nước Mỹ tại Việt Nam không chỉ là xác máy bay, bom, mìn…mà là những dự án, những công trình…biểu tượng cho hòa bình và hợp tác.

    ---Khổng minh---


    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem