• Bộ trưởng LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân


    vào lúc Thứ Sáu, tháng 4 05, 2013
    Hãy like nếu bài viết có ích →

     Từ 9 giờ 30 sáng nay, 5/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

    Ảnh VGP/Nhật Bắc
    Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền sẽ trao đổi, giải đáp các vấn đề mà người dân, dư luận quan tâm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐTBXH như việc làm, đào tạo dạy nghề, xuất khẩu lao động…
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia đối thoại với nhân dân cả nước trong năm 2013.
    Cuộc đối thoại được truyền hình trực tuyến trên Cổng TTĐT Chính phủ, phát lại trên kênh VCTV 15, Truyền hình cáp Việt Nam. Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ emaildoithoai@chinhphu.vn
    BTV: Thưa Bộ trưởng, Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2012. Với 3 năm, không phải là thời gian quá dài nhưng liệu có kịp triển khai đồng bộ 6 đề án chính mà chương trình đã đề ra không? Thưa Bộ trưởng?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi nghĩ rằng được giao lưu trực tiếp với người dân là điều kiện tốt để chúng tôi trao đổi về các chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước với nhân dân, trong đó có chính sách an sinh xã hội.
    Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 là hết sức quan trọng trong giai đoạn này, gồm 6 dự án.
    Thứ nhất là đề án đổi mới về dạy nghề, nhằm tạo nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề cho các doanh nghiệp.
    Thứ hai là đề án về đào tạo nghề lao động nông thôn (Đề án 1956). Đề án có ý nghĩa lớn khi hiện nay chúng ta có 70% lao động ở nông thôn, phần đông chưa được đào tạo nghề, rất cần hỗ trợ đào tạo ngắn hạn để có cơ hội phát triển sản xuất.
    Đề án thứ ba là cho vay vốn tạo việc làm. Đến thời điểm này, quỹ vay vốn tạo việc làm đã dành trên 4000 tỷ đồng cho người vay vốn tạo việc làm.
    Đề án thứ tư là hỗ trợ người lao động đi nước ngoài làm việc, đào tạo kỹ năng, điều kiện cho lao động nông thôn đi làm việc ở nước ngoài.
    Thứ năm là Đề án đầu tư những trung tâm giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp và người lao động. Cuối cùng là đề án tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015.
    BTV: Vậy thưa Bộ trưởng, sau một năm triển khai Quyết định về Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015, đến nay đã có dấu hiệu chuyển biến như thế nào?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Với trách nhiệm của Bộ là theo dõi lĩnh vực này và triển khai thực hiện, tôi khẳng định rằng Đề án này theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là trên 1 năm nhưng thực chất có những nội dung đã được triển khai trước đó, từ những năm 2010, 2011. Chính vì vậy, tính đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định 6 đề án của Chương trình đã khởi động tích cực.
    Thứ nhất, về đổi mới dạy nghề, đến nay, Chính phủ đã đồng ý tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở dạy nghề, hỗ trợ cho giáo viên đi học và nghiên cứu tại nước ngoài để về dạy và đồng thời chủ trương tiếp nhận giáo trình phù hợp với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
    Về Đề án 1956, đánh giá sơ bộ sau 3 năm, Ban chỉ đạo Chương trình khẳng định đây là đề án đúng đắn, chuyển biến tích cực, với số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên 1 triệu người. Sau khi được đào tạo họ đã có việc làm. Công tác thông tin truyền thông gần đây về lao động, việc làm đã khá tích cực, giúp người lao động tìm hiểu kỹ, nghề nào phù hợp, làm gì, ở đâu.
    Tôi có thể khẳng định sau thời gian hơn 1 năm, Chương trình đã bước đầu đi vào quỹ đạo và hoạt động hiệu quả.
    Ảnh VGP/Nhật Bắc
    Bạn Linh Anh (Nghệ An): Thưa bác, theo cháu nhận thấy là nhiều địa phương có hệ thống trung tâm việc làm chưa năng động, không giới thiệu được nhiều việc làm thiết thực cho người lao động? Chương trình đã đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ người lao động tìm việc làm qua hệ thống trung tâm giơi thiệu lên 30%. Vậy bác có kế hoạch nâng cấp hoặc hoạch định lại hệ thống giới thiệu việc làm trên cả nước không? Để bất cứ người lao động nào như chúng cháu cũng được tiếp xúc và được tư vấn cụ thể về việc làm?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trước tiên bác rất mừng vì cháu đã quan tâm đến vấn đề này.
    Về việc các trung tâm giới thiệu việc làm như nhận định của cháu ban đầu bác cũng đồng ý.
    Phải nói rằng, đến thời điểm hiện nay, cả nước có 64 trung tâm dạy nghề của các tỉnh thành phố và trên 66 trung tâm của các bộ, ngành trung ương.
    Hiện tại các trung tâm đã đi vào hoạt động, nhiều trung tâm hoạt động hiệu quả, là nơi kết nối cung cầu lao động, tìm được việc làm.
    Tuy vậy, cùng với một số trung tâm có cơ sở vật chất tốt và có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, có phương pháp thì cũng còn một số trung tâm do chưa có kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ chưa thực sự tinh thông. Vì vậy hỗ trợ, giúp đỡ cho người lao động thông qua các trung tâm là 30%, thì có trung tâm đã đạt được nhưng có trung tâm chưa đạt được. Đúng như cháu nói không phải là tất cả.
    BTV: Hiện nay có 64 trung tâm trải đều trên các tỉnh thành, tuy vậy những bạn sống ở các huyện, xã vùng sâu vùng xa tiếp cận các trung tâm này như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp phát triển các trung tâm này xuống huyện không?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Câu hỏi này rất hay, hiện tại các trung tâm này đã hoạt động nhưng người dân ở các xã, các huyện khó đến thẳng trung tâm ở các tỉnh.
    Chính vì vậy, nhiều tỉnh đặt điểm giao dịch vệ tinh tại các huyện để tạo thuận lợi cho người dân.
    Vừa rồi tôi đến làm việc tại Sóc Trăng thì thấy họ làm rất tốt, phiên giao dịch ở tỉnh có đặt các điểm giao dịch ở các huyện để người lao động biết thị trường lao động là thế nào để tiếp cận. Tôi nghĩ đây là mô hình tới đây sẽ được nhân rộng.
    Bạn đọc Xuân An (Quảng Bình): Thưa Bộ trưởng, vừa rồi chúng tôi được theo học lớp học nghề làm tóc do tỉnh tổ chức nhưng sau khi học xong nhiều chị em trong lớp không có khả năng mở cơ sở riêng. Nếu đi xin việc thì trên địa bàn chúng tôi sống cũng không thể nhận hết lớp học viên vào làm việc. Một số chị em do ở nhà lâu không có việc dẫn đến tình trạng quên nghề. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì cho những trường hợp như chúng tôi không? Xin cảm ơn Bộ trưởng.
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi xin chia sẻ với bạn, nhưng rất tiếc trước khi đi học bạn nên tìm hiểu nghề có phù hợp với địa phương của bạn hay không. Nhưng nếu địa phương tổ chức một lớp đông như bạn nói thì cũng khó xếp việc.
    Tôi có lời khuyên, các bạn đã học nghề nên hợp tác với nhau để mở cơ sở làm tóc. Có thể thiếu vốn vì các bạn còn trẻ mà lại sống ở địa phương nông thôn thì có chương trình cho người học nghề được vay vốn, nếu có dự án cụ thể với mức vay không quá 20 triệu đồng.
    Còn nếu nghề mà bạn học đã có nhiều người làm rồi thì bạn nên liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm ở địa phương khác vì có thể họ lại đang có nhu cầu.
    Còn nếu không thì bắt buộc bạn phải học chuyển nghề. Nhưng tôi nghĩ rằng cách tốt nhất nếu bạn đã đam mê thì cố gắng phát huy, tìm nơi mà có nhu cầu nghề bạn học thông qua hệ thống giới thiệu việc làm.
    Trịnh Thị Quỳnh Trâm, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh: Tôi biết là có dự án cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ việc làm. Vậy tôi có thể làm hồ sơ và đề xuất vay ở đâu. Mức tiền được vay tối đa là bao nhiêu tiền? Xin cảm ơn Bộ trưởng.
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Khi người lao động có nghề, có dự án để phát triển sản xuất kinh doanh thì bình thường có thể đến ngân hàng thương mại để vay. Nếu bạn thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách thì có thể đến ngân hàng chính sách làm hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất thông thường.
    Tôi là Nguyễn Văn Hưng, 27 tuổi, trú tại thị trấn Và, Bắc Ninh xin hỏi: Năm nay tôi muốn làm hồ sơ đi lao động xuất khẩu, vậy có được hỗ trợ trong vấn đề học ngoại ngữ miễn phí cũng như nâng cao tay nghề miễn phí trước khi đi được không?Tôi làm về nghề cơ khí. Xin cảm ơn Bộ trưởng.
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Phải nói rằng chính sách cho người lao động vay vốn để đi xuất khẩu lao động nằm trong chương trình tạo việc làm trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo. Bắc Ninh thì không có huyện nào thuộc diện ưu tiên nhưng nếu bạn là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách thì cũng được vay từ các tổ chức tín dụng để đi xuất khẩu lao động, với mức vay bằng 70% mức vay cơ bản. Người đi học ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề được vay tối đa không quá 3 triệu đồng, và đối tượng chính sách thì được vay bằng 70% mức đó.
    BTV: Tai nạn lao động luôn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, một số ý kiến cho rằng nên tái thành lập Thanh tra nhà nước chuyên ngành về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời nên tăng cường về số lượng cũng như chất lượng cho lực lượng thanh tra viên hiện đang còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm lĩnh vực ATVSLĐ cũng cần phải làm? Bộ trưởng nhận xét sao về những ý kiến này?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thứ nhất, số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra thì quá mỏng. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về ATVSLĐ nên dẫn đến tai nạn lao động như trong phóng sự vừa phát.
    Ảnh VGP/Nhật Bắc
    BTV: Bên cạnh đó, mức xử phạt hành chính có cần nâng cao hơn để hạn chế tai nạn lao động?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Về vấn đề này, những việc chúng tôi cần phải làm trong thời gian tới là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thông qua việc thanh tra và xử nghiêm những trường hợp vi phạm.
    Tới đây, chúng tôi được Chính phủ giao trình Quốc hội Dự luật về ATVSLĐ trong năm 2014. Những vấn đề bất cập trong công tác thanh tra ATVSLĐ sẽ được đề cập với hướng rất tích cực, đó là xây dựng đội ngũ những người làm công tác thanh tra lao động mạnh hơn, các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tiến hành thanh tra công tác ATVSLĐ này. Như vậy sẽ góp phần sớm phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng lao động không chấp hành luật về ATVSLĐ.
    BTV: Trong năm 2012 cả nước để xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 606 người chết, 6.361 người bị thương. Có những trường hợp chết và bị thương do cháy nổ như sang chiết ga, hàn xì gây cháy… Nhưng nhiều người vẫn quan niệm hình như công tác ngăn ngừa những vụ việc đau lòng này chưa được quan tâm và tuyên truyền đúng mức? Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào về nhận định này?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi đồng tình với ý kiến về tình trạng mất an toàn lao động, gây thiệt hại tính mạng, tài sản cho người lao động, đây là điều đáng tiếc.
    Nói về khung khổ pháp lý, các văn bản của Nhà nước, từ Bộ Luật Lao động, cũng như Pháp lệnh về thanh tra an toàn vệ sinh lao động đã quy định rõ.
    Tuy vậy ý thức chấp hành của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa được nghiêm.
    Trong công tác tuyên truyền chúng ta cũng đã có làm nhưng một số không nhỏ những người lao động và người chủ sử dụng lao động chưa nắm thật đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thực hiện vấn đề này.
    Chưa kể một bộ phận chủ lao động dù có biết, nhưng có hiện tượng vì lợi nhuận, vì lơ là trách nhiệm đối với tính mạng của người lao động nên không thực hiện nghiêm vấn đề này.
    Như vậy, nói để hổng công tác tuyên truyền thì không hẳn, nhưng làm để mọi người hiểu và nâng cao trách nhiệm của mình thì có lẽ chưa đạt được như chúng ta mong muốn.
    BTV: Hàng ngày nếu đi qua những công trường xây dựng lớn, ta vẫn bắt gặp những người công nhân không có trang bị bảo hộ lao động đúng quy chuẩn vẫn tiến hành làm việc. Đã có nhiều tai nạn lao động đáng tiếc xẩy ra nhưng dường như quy định về an toàn lao động vẫn bị bỏ ngỏ và chưa có biện pháp mạnh nào chấn chỉnh. Có đúng thế không, thưa Bộ trưởng?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Công tác an toàn lao động hiện là một vấn đề nhức nhối cho cả xã hội. Tất cả người dân khi đi làm đều mong được đảm bảo an toàn, mong muốn sau mỗi ngày làm việc trở về nhà bình yên, mong không phải đón nhận tin xấu về người thân liên quan tới tai nạn lao động.
    Thế nhưng thời gian qua, chúng ta có triển khai công tác tuyên truyền nhưng chưa được như mong muốn. Một vấn đề quan trọng là giáo dục ý thức đảm bảo an toàn của người lao động, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
    Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức về ý thức an toàn lao động, thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Tuyên truyền về ý thức an toàn lao động sẽ được đưa tới các trường học. Giáo dục ý thức an toàn phải thực hiện từ khi họ bắt đầu trưởng thành.
    Biện pháp nữa là tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Đây là một trong những biện pháp được đẩy mạnh trong thời gian tới đây.
    BTV: Bạn Hoàng Văn Kiên, Nghệ An cho biết ở khu vực bạn ở có tình trạng trẻ em 12-13 tuổi phải lao động cực nhọc trong mỏ khai thác đá, và bạn Kiên muốn hỏi Bộ trưởng có cách nào để cứu vớt các em?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đây là việc làm vi phạm quy định Luật Lao động và Pháp lệnh Bảo vệ trẻ em, cấm trẻ em chưa đủ tuổi tham gia lao động nặng nhọc.  Hành vi sử dụng lao động trẻ em như bạn Kiên nêu cần phải được xử lý nghiêm minh, đối với những vi phạm nặng thì phải xử lý  hình sự, để răn đe những người vì quyền lợi, lợi ích kinh tế của mình mà bóc lột sức lao động của trẻ em.
    BTV: Theo thống kê cả nước năm 2012, số tiền nợ đọng BHXH là trên 5.000 tỷ đồng, tập trung tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và  doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài nguyên nhân là do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản không có khả năng đóng BHXH, còn một nguyên nhân khác là các chế tài xử lý vi phạm Luật BHXH hiện nay còn hạn chế, chỉ ở mức dân sự. Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu đưa việc xử lý nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp từ dân sự sang hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Nợ đọng BHXH gần đây rất lớn, nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%,  doanh nghiệp FDI là 14%, tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.
    Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, chúng tôi đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ  doanh nghiệp đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011.
    Một trong những nguyên nhân chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm là từ chính sách, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. Cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này. Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự.
    Với các giải pháp đồng bộ, tích cực thì số nợ BHXH sẽ giảm hẳn, nhưng đối với những doanh nghiệp quá khó khăn thì cũng cần phải xem xét, có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động.
    Ảnh VGP/Nhật Bắc
    Bạn Bích Hiệp (trú tại Hoàng Cầu, Hà Nội): Nâng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ là thông điệp rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đang tích cực thực hiện Luật Bình đẳng giới, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ làm thu hẹp đầu vào, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của rất đông lực lượng lao động trẻ có trình độ. Bộ trưởng đánh giá sao về điều này?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Đây là vấn đề mà thời gian qua được báo chí phản ánh theo nhiều chiều. Trong tháng 6/2012, Bộ luật Lao động được ban hành, Điều 187 quy định nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi nghỉ hưu, những trường hợp đặc thù có thể nghỉ trước theo quy định tại Khoản 2. Khoản 3 quy định người lao động có trình độ chuyên môn cao, người lao động làm quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu quá tuổi nhưng không quá 5 năm theo quy định tại khoản 1 điều này.
    Đây là vấn đề nhạy cảm và khó. Chúng tôi được Chính phủ giao chuẩn bị Nghị định này, chúng tôi rất thận trọng, mở rộng thông tin xin ý kiến hai chiều.
    Có ý kiến cho rằng những người có kinh nghiệm, nhất là nữ nên kéo dài thời gian nghỉ hưu để phát huy năng lực và cũng là thực hiện bình đẳng giới. Nhưng theo luồng ý kiến khác, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì nghĩ gì đến thế hệ trẻ, những người được đào tạo cơ bản mà hiện nay không có việc làm. Có những địa phương 25 nghìn, 15 nghìn người đã được đào tạo chưa có việc làm, vậy nghĩ gì về trường hợp này?
    Chúng tôi đang rất cân nhắc và tranh thủ ý kiến một cách thận trọng hơn để tới đây trình Chính phủ phương án theo đúng các quy định của luật nhưng đồng thời xử lý được vấn đề mà 2 luồng ý kiến trên đặt ra. Và phải có lộ trình từng bước để những người có khả năng được tiếp tục trọng dụng và phát huy, và các bạn trẻ có cơ hội việc làm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xin ý kiến và tới đây hoàn thiện phương án để được đồng thuận cao.
    BTV: Theo Đề án trợ giúp người khuyết tật 2011- 2020, đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 sẽ có 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động sẽ được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Liệu đề án có hoàn thành được chỉ tiêu không khi mà thực tế hiện nay các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, có nhiều cơ hội xin được việc làm thì hiếm có người khuyết tật có khả năng theo học. Còn những ngành thủ công đơn giản đã có nhiều người học thì người khuyết tật sẽ khó tìm việc do cạnh tranh cao. Cùng với đó, những đơn vị tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật nhưng chưa có đội ngũ giáo viên giảng dạy chuyên biệt nên nhiều khi giáo viên giảng nhưng trò không hiểu?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Vấn đề việc làm và dạy nghề cho người khuyết tật được Đảng và Nhà nước quan tâm.
    Và chương trình này nghề kỹ thuật cao người khuyết tật khó tham gia, còn nghề đơn giản thì nhiều người có nhưng chưa tìm được việc làm. Vấn đề đặt ra là tạo việc làm cho người khuyết tật như thế nào.
    Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã bố trí ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng này.
    Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá các Hội, ví dụ Hội người mù, rất quan trọng trong việc giúp người khuyết tật tạo được việc làm và học nghề. Đến thời điểm này kinh phí dành cho khoảng 40 tỷ đồng để Hội tuyên truyền, tổ chức đội ngũ giáo viên, tổ chức các lớp để cho người khuyết tật được đi học.
    Điều chúng ta mong muốn là người khuyết tật đều có việc làm, đúng là còn khó, nhưng để những người khuyết tật tìm được những nghề phù hợp thì Đảng và Nhà nước đã có một số chính sách tuy chưa đủ để đáp ứng toàn bộ nguyện vọng của họ.
    Với góc độ quản lý nhà nước, tôi khâm phục nhiều người khuyết tật có bản lĩnh, nghị lực và những cống hiến của họ được xã hội ghi nhận như những tấm gương.
    Vì vậy tiếp tục chăm lo người khuyết tật được học nghề, tiếp cận với xã hội, làm việc là trách nhiệm của chúng ta.
    Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, rất mong có sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội khác giúp họ tiếp cận dịch vụ học nghề và tạo việc làm phù hợp.
    Thực sự nói một số ngành công nghệ cao người khuyết tật không theo đuổi được thì cũng không hẳn. Vì hiện nay nhiều bạn khuyết tật học tin học thành công, tôi nghĩ rằng không phải ngành kỹ thuật cao nào người khuyết tật cũng khó theo đuổi. Vấn đề là chúng ta phải định hướng, tạo điều kiện để họ đứng lên bằng chính nghị lực của mình. Quan trọng hơn hết là có những cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để họ có thu nhập.
    Người khuyết tật có rất nhiều khả năng có thể học nghề công nghệ cao. Nhưng tôi muốn nói tới trách nhiệm xã hội từ doanh nghiệp, đến nơi tiêu thụ sản phẩm phải có chính sách hỗ trợ.
    Và thậm chí là ý thức của cộng đồng, khi mỗi người dân ý thức được rằng đây là sản phẩm của những người khuyết tật và tiêu thụ sản phẩm của họ để động viên cho người khuyết tật cảm thấy mình có ích để sống và cống hiến.
    BTV: Việc mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài phát triển cơ sở dạy nghề tại Việt Nam, cũng như khuyến khích các cơ sở dạy nghề trong nước tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài nước là hết sức quan trọng. Bộ đã có những động thái nào để xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước ngoài phát triển cơ sở dạy nghề có chất lượng tại Việt Nam?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chủ trương cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề đã có. Cụ thể hơn là chúng ta đã ban hành những hành lang pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài vào dạy nghề.
    Hiện đã có 19 cơ sở dạy nghề do nước ngoài đầu tư và 6 cơ sở dạy nghề  có một phần vốn của nước ngoài. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, đầu tư nước ngoài vào dạy nghề còn hạn chế.
    Để giải quyết vấn đề này, các bộ, ngành liên quan đã phối hợp xây dựng và trình Chính phủ cơ chế ưu đãi về giao và thuê đất, tín dụng, thuế, lệ phí… để tăng cường thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào dạy nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của chúng ta.
    Tới đây, Bộ tiếp tục ra soát những chính sách chưa hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư nước ngoài vào dạy nghề.
    BTV: Trong năm 2012, chỉ tiêu là đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng kết thúc năm, cả nước mới đưa được 80.000 lao động. Xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và kinh nghiệm gì được rút ra để khắc phục trong những năm tới khi mà mục tiêu từ nay đến 2015 là mỗi năm sẽ đưa 100.000 lao động đi làm việc ở ngoài nước? Theo đánh giá của Bộ trưởng, ngành nghề cũng như thị trường lao động nào sẽ là điểm sáng trong năm nay 2013 và những năm tới đây?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Thời gian qua, một số thị trường nhận lao động Việt Nam cũng có khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập ví dụ như Malaysia, thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng.
    Nguyên nhân thứ ba ảnh hưởng đến chỉ tiêu là tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc. Nếu năm 2011, chúng ta đưa 15.000 lao động sang thị trường này nhưng năm 2012 chúng ta chỉ đưa được 9.000 người. Với những nguyên nhân trên đã tác động đến tổng thể mục tiêu đưa lao động ra ngoài nước của năm 2013.
    Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, nếu thời điểm hiện tại thì chúng ta thấy khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng ta có thể tiếp tục đưa lao động sang được.
    Đối với đẩy mạnh thực hiện chính sách đưa các đối tượng đi xuất khẩu lao động thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và quan trọng là nếu thị trường Hàn Quốc thực hiện thỏa ước lao động với chúng ta với việc tiếp nhận 15.000 lao động trong năm 2013 thì mục tiêu trên không phải là khó.
    BTV: Vừa qua trên các báo đài phản ánh nhiều trường hợp ở tỉnh Nghệ An bị lừa xuất khẩu lao động đi Angola, người đi được thì phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới.
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Tôi chia sẻ với các bạn ở Nghệ An, đến thời điểm này chúng ta chưa có thỏa thuận lao động với Angola. Vì vậy, để hạn chế tình trạng bị lừa đảo thì phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không. Các bạn nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động. Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại.
    Đối với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, thì có thể đến Phòng LĐTBXH để hỏi thông tin và nơi này có trách nhiệm liên hệ với  Cục Quản lý lao động ngoài nước để tìm hiểu thông tin, trả lời cho người lao động.
    Lê Văn Ngân (Đông Hà, Quảng Trị): Xin Bộ trưởng cho biết, hiện nay những đối tượng nào được vay vốn ngân hàng sử dụng trong mục đích đi XKLĐ, thủ tục như thế nào? Cháu là con thương binh liệt sỹ, liệu có được hưởng những ưu đãi gì không?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trước tiên, như đã trả lời câu hỏi trên, để tăng  số lượng tham gia xuất khẩu lao động,  Nhà nước đã có nhiều chính sách. Thứ nhất là vay vốn,  mức vay cho một khóa đào tạo ngoại ngữ và bổ trợ nghề là không quá 3 triệu đồng. Còn các đối tượng con thương binh liệt sỹ và người có công có thể vay ở mức ưu đãi hơn. Như vậy, ngoài đối tượng con thương binh liệt sỹ thì những hộ nghèo ở 62 huyện nghèo cũng có thể vay ở mức ưu đãi. Mọi lao động quan tâm vấn đề này có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc liên hệ trực tiếp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn ưu đãi trực tiếp, cụ thể.
    Tôi cũng nói thêm, nếu lao động bình thường có thể vay các ngân hàng thương mại, còn các bạn thuộc diện chính sách nêu trên có thể vay tại các ngân hàng chính sách.
    Trần Thị Hạnh cùng một số lao động tại Nghệ An: Kính chào chương trình, cho em xin hỏi tại sao XKLĐ Nhật Bản một số công ty lại không nhận Nghệ An? Em có đi tham gia phỏng vấn hai nơi, nhưng đều không nhận Nghệ An, nếu thế trước khi thi tuyển phải thông báo cho lao động biết, đằng này bọn em vẫn tham gia thi tuyển xong họ bảo về chờ kết quả. Mấy ngày sau họ gọi bảo không nhận Nghệ An? Em không biết làm sao, nếu như thế thì em không bao giờ được đi ạ?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Theo chúng tôi được biết đến thời điểm này các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp nhận lao động Việt Nam từ bất kỳ vùng miền nào, còn trường hợp cá biệt của bạn chúng tôi sẽ giao Cục Quản lý lao động ngoài nước nắm thêm.
    Ảnh VGP/Nhật Bắc
    BTV: Theo quy định về phí xuất khẩu lao động, thị trường Nhật Bản và Đài Loan là 4.000 – 4.500 USD, đi Hàn Quốc là 1.500 -2.700 USD, nhưng mức thu tại các doanh nghiệp XKLĐ thường cao hơn. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu không làm thế sẽ không có tiền để trả cho đối tác môi giới, trong khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là rất lớn, thi nhau nâng phí môi giới để chèo kéo đối tác và thu của người lao động để bù lại. Rõ ràng việc thu vượt quy định để bù lại chi phí cho phía đối tác là một kiểu cắt cổ người lao động. Liệu Bộ có biết thực trạng này và hướng xử lý như thế nào?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Trước hết tôi phải thông tin để mọi người được biết  quy định về các loại phí khi đi lao động ra nước ngoài, cụ thể mức phí đi từng nước. Khoản phí này là để giúp chuẩn bị cho người lao động như học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết khi sang nước ngoài làm việc, vé máy bay, bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
    Nếu doanh nghiệp thực hiện trong khung phí quy định thì không vi phạm. Vừa qua, ở chỗ này, chỗ kia, có hiện tượng doanh nghiệp thu phí vượt khung, chúng tôi đã cho kiểm tra.
    Vấn đề này tôi đề nghị ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước giải đáp thêm về phí môi giới xuất khẩu lao động.
    Ông Lê Văn Thanh: Trong các văn bản quy định về phí môi giới xuất khẩu lao động hiện nay có quy định mức phí tối đa. Ví dụ như đi Đài Loan tối đa là 4.000 USD. Nếu doanh nghiệp nào thu vượt mức này sẽ bị xử phạt, thậm chí bị đình chỉ giấy phép. Người lao động có thể thông báo cho Cục Lao động ngoài nước để xử lý các trường hợp thu vượt khung quy định.
    Vừa rồi, Cục Lao động ngoài nước đã kiểm tra, thanh tra và phát hiện một số trường hợp vi phạm. Cục đã xử lý và rút giấy phép một số trường hợp.
    BTV: Ông Nguyễn Công Toàn vừa gửi câu hỏi: Tôi là một cán bộ trong ngành đang công tác ở một trong những huyện nghèo, huyện tôi có triển khai xuất khẩu lao động theo Nghị định 71. Tuy nhiên, một số lao động đi về từ Saudi Arabia có phản ánh Công ty CP xây dựng và cung ứng nhân lực Quang Trung (Long Biên, Hà Nội) không đảm bảo đúng cam kết với người lao động, làm ảnh hưởng quyền lợi của họ, vậy xin ông Thanh cho biết hướng xử lý đối với những doanh nghiệp như vậy?
    Ông Lê Văn Thanh: Khi xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp phải có hợp đồng và gửi cho Cục Lao động ngoài nước để kiểm tra điều kiện sinh hoạt, mức lương và các quy định pháp luật.
    Với trường hợp đề cập trên phải căn cứ theo hợp đồng và lỗi vi phạm của bên nào để xử lý. Còn nếu là lý do khách quan, người lao động sẽ được bù đắp chi phí. Những lao động nói trên có thể gửi về Cục Lao động ngoài nước để kiểm tra và có trả lời chính thức.
    BTV: Trước khi kết thúc cuộc đối thoại trực tuyến, Bộ trưởng muốn chia sẻ điều gì?
    Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Với trách nhiệm là Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực an sinh, tôi rất quan tâm, rất cám ơn những ý kiến trao đổi của người dân cả nước, qua đó giúp chúng tôi nghiên cứu chính sách, đề xuất cho phù hợp. Đồng thời cũng tăng cường hơn trách nhiệm, giám sát quản lý của Bộ LĐTBXH trong các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách. Với cá nhân tôi, được giao lưu, trao đổi trực tiếp với bà con là rất thú vị.
    BTV: Như vậy, những thắc mắc của quý vị về dạy và học nghề, xuất khẩu lao động, vay vốn học nghề đã được Bộ trưởng giải đáp rất cụ thể. Như lúc đầu chúng tôi đã thông báo, do thời lượng của chương trình có hạn nên những câu hỏi còn lại chúng tôi sẽ có trách nhiệm chuyển lại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nội dung trả lời sẽ được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Rất mong quý vị quan tâm theo dõi.
    Một lần nữa xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tham dự cuộc Đối thoại.
    Cảm ơn sự theo dõi của quý vị và các bạn.
    Theo Cổng TTĐT Chính phủ

    Công dân Việt với tình hình của đất nước

    Recent Post

    Note Đóng lại

    Template Information

    ĐIỆN ẢNH

    Test Footer

    primaryBottomSidebar

    CHÚ Ý

    Translate

    Rank Trafic

    Lưu trữ Blog

    Lượt xem