Ngày đầu tiên xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”, khai nhận trước HĐXX, bị cáo Đoàn Văn Vươn thừa nhận có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ... Các bị cáo trong vụ án cũng đã khai khác nhau tại chốn công đường.
4 nam bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963), Đoàn Văn Quý (SN 1966), Đoàn Văn Sịnh (SN 1957), Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị truy tố tội danh “ Giết người” được quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự (BLHS), có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình.
2 bị cáo Nguyễn Thị Thương (SN 1970), vợ ông Đoàn Văn Vươn và Phạm Thị Báu (tức Hiền, SN 1982), vợ ông Đoàn Văn Quý bị truy tố tội danh “Chống người thi hành công vụ” được quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS, có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Bị cáo Đoàn Văn Quý (ảnh trên) và bị cáo Đoàn Văn Vươn (ảnh dưới) tại phiên tòa.
Trong phần xét hỏi bị cáo Đoàn Văn Vươn sáng nay 4/2, HĐXX tập trung làm rõ hành vi của bị cáo Vươn. Bị cáo Vươn cùng các luật sư cho rằng việc cho nổ bình gas, dùng súng bắn vào lực lượng cưỡng chế với mục đích để “cảnh báo” chứ không có mục đích làm hại lực lượng làm nhiệm vụ.
Bị cáo Vươn khai mình hướng dẫn Quý đặt thuốc nổ. Tuy nhiên, tại phần xét hỏi diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, trả lời HĐXX, bị cáo Quý đã bác lời khai của bị cáo Vươn trước tòa. Quý khai bị cáo Vươn chỉ đưa kíp nổ, còn việc đặt thuốc nổ là do Quý tự làm.
Khai nhận trước tòa, bị cáo Đoàn Văn Vệ một mực không thừa nhận lời khai của bị cáo Vươn. Theo đó, Bị cáo Vệ đã phủ nhận vai trò đồng phạm với Vươn mà cho rằng, khi biết được mục đích của kế hoạch là chống lại lực lượng cưỡng chế thì bị cáo đã không tham gia.
Vệ nói rằng, Quý đưa cho Vệ 10,5 triệu đồng nhờ mua súng. Song khi thấy Quý gọi điện giục mang súng về và biết được Quý sử dụng súng vào mục đích chống lại lực lượng cưỡng chế, Vệ đã chủ động không mang súng cho Quý nữa. Để khỏi liên lụy đến bản thân, Vệ đã chủ động trả lại số tiền 6 triệu đồng cho Quý, còn nợ Quý 4,5 triệu đồng.
.
Tang vật vụ án được đưa đến phiên tòa.
Lý giải việc có mặt tại hiện trường vào ngày 05/1/2012, bị cáo Vệ cho rằng vì nghe tin đồn Quý bị thương nên mới tìm đến với ý định cấp cứu người thân, nhưng khi đến nơi thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Còn bị cáo Sịnh lại nói rằng, khi xảy ra việc cưỡng chế, bị cáo đang loanh quanh ở nhà. Sau đó có tìm đến khu vực cưỡng chế thì cũng bị bắt luôn.
Bị can Đoàn Văn Quý cho rằng chính bị can này thực hiện việc kích nổ bình ga và bắn 2 phát súng chứ không phải 3 phát như cáo trạng truy tố. Bị can Quý giải thích rằng, việc sử dụng súng, thuốc nổ là hành vi nguy hiểm cho người khác nhưng do bức xúc trước việc đầm bị thu hồi trái luật nên đã “can tâm” thực hiện hành vi chống đối.
Trả lời việc có tham gia thực hiện dàn dựng dụng cụ, phương tiện chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, 2 bị cáo nữ Thương và Hiền đều khai việc dựng hàng rào là để bảo vệ khu đầm khỏi trộm cắp. Còn việc mua xăng là bình thường, không mục đích chống lại lực lượng làm nhiệm vụ. Bị cáo Hiền cũng nói rằng, bị cáo này chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, không biết gì về việc chồng và ai đó bàn bạc kế hoạch nào cả (?!).
Bị cáo Nguyễn Thị Thương (ảnh trên) và bị cáo Phạm Thị Báu (tức Hiền, ảnh dưới).
Các luật sư bảo vệ bị cáo và các bị cáo trong vụ án đã “phản pháo” trước tòa về một số tình tiết khai trước đó tại cơ quan điều tra là không chính xác, đồng thời có đề nghị HĐXX làm rõ các tình tiết liên quan.
Để chứng minh sự liên quan của các bị cáo tại tòa, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố biên bản ghi lời khai của các bị cáo trong việc làm hàng rào, cách thức, mục đích, nguyên liệu làm hàng rào với mục đích chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Phần xét hỏi các bị cáo chính thức kết thúc vào chiều cùng ngày. Từ 8 giờ sáng sáng mai 03/4, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại tòa.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin
Theo dantri(tiêu đề có sự chỉnh lí của ad)